NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HAI TÁC PHẨM VỀ MỘT CÂU CHUYỆN

( 19-11-2023 - 04:25 PM ) - Lượt xem: 729

Nhà văn Nguyễn khoa Đăng là người đa tài. Ông viết đủ thể loại thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tạp văn, kịch bản phim…Đối tượng cho thiếu nhi và người lớn. Đề tài cũng khá…mênh mông: chuyện đời thường, hình sự, tình yêu, trắc nghiệm tâm lý, chính trị xã hội, bi hài…Riêng hai tiểu thuyết Nước mắt một thời và Hoàng hôn lạnh, tôi nhận thấy nội dung như nói về cùng một câu chuyện. Sở dĩ coi đó là một câu chuyện vì nó ở trong tiểu thuyết, thể loại có thể có nhiều hư cấu. Nội dung đề tài mà tác giả hướng tới vẫn còn là lĩnh vực có thể nói là “kiêng kỵ” mặc dù thời gian đã xấp xỉ bảy mươi năm trôi qua. Những nhân chứng ít ỏi còn lại cũng sắp “trôi qua” hết cả.

Nhà văn Nguyễn khoa Đăng là người đa tài. Ông viết đủ thể loại thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tạp văn, kịch bản phim…Đối tượng cho thiếu nhi và người lớn. Đề tài cũng khá…mênh mông: chuyện đời thường, hình sự, tình yêu, trắc nghiệm tâm lý, chính trị xã hội, bi hài…Riêng hai tiểu thuyết Nước mắt một thờiHoàng hôn lạnh, tôi nhận thấy nội dung như nói về cùng một câu chuyện. Sở dĩ coi đó là một câu chuyện vì nó ở trong tiểu thuyết, thể loại có thể có nhiều hư cấu. Nội dung đề tài mà tác giả hướng tới vẫn còn là lĩnh vực có thể nói là “kiêng kỵ” mặc dù thời gian đã xấp xỉ bảy mươi năm trôi qua. Những nhân chứng ít ỏi còn lại cũng sắp “trôi qua” hết cả.

Là người trong cuộc chứng kiến bi cảnh thảm khốc của gia đình. Bao đau thương nhục nhã khốn cùng đến với ông khi mới 16, 17 tuổi. Những ký ức đau buồn ấy theo ông đằng đẵng 53 năm tính đến thời điểm ông ra được tiểu thuyết Nước mắt một thời. Hai năm sau ông lại ra mắt sách Hoàng hôn lạnh. Người đọc không thể không nhận thấy hai tiểu thuyết này có nhiều điểm chung: Một gia đình chỉ “thường thường bậc trung”sống tình nghĩa với bà con làng nước bị quy thành phần địa chủ cường hào.  Bố là đảng viên cốt cán bị oan khuất phải chịu tội tử hình. Hình ảnh của người mẹ trong tâm của cơn xoáy lốc, giữa hoang tàn, rồi tiếp tục là những dư chấn. Tình yêu của cậu bé mới lớn với “người chị” v.v. Đọc truyện ông tôi thấy đồng cảm bởi khi còn nhỏ đã được nghe người lớn kể về Cải cách ruộng đất. Quê tôi cũng là làng quê lúa nước, ao vườn thuộc đồng bằng Bắc bộ, cùng phong tục tập quán, cũng gọi thân sinh là thày bu v.v. Câu chuyện về Cải cách ruộng đất cũng có kịch bản tương tự là quyền sinh sát, đổi trắng thay đen, là điêu toa dựng chuyện. Oan khuất là hệ quả tất yếu. Qua chuyện kể ở quê hương, tôi nhớ nhất đến câu nói và hình ảnh một bà khi nghe người ta đấu tố mình đã ngẩng mặt chỉ tay lên trời căm phẫn nói: Có Trời! Bà ấy sau đó đã nhảy xuống mương sâu để giải thoát trong sự khốn cùng. Tôi cũng có người ông họ bị bắn trước khi có thông báo hủy bản án. Chết oan! Chỉ những câu chuyện do người thân kể đã rúng động tôi khi còn là một đứa trẻ.

Tôi thương ông phải chịu một bi kịch quá lớn và trong lòng ông chắc phải chi chít nhiều vết sẹo khi ông viết những tác phẩm này.

“Nước mắt một thời” đáng ra có thể là một tự truyện hay cuốn hồi ký với những sự kiện, chứng cứ, nhân chứng cụ thể? Hoặc có thể gọi là tiểu thuyết lịch sử không? khi chương lịch sử ấy chưa được thừa nhận chính thức! Có những chuyện ai cũng biết nhưng công khai trên giấy trắng mực đen thật là khó khăn. Có thể cần đến nhiều tác phẩm mới thấy được nhiều mặt của một cuộc cải cách rộng khắp mà cuộc cải cách này được nhìn nhận là sự kiện “long trời lở đất’. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết một câu chuyện theo thể loại tiểu thuyết, mà tiểu thuyết thì mặc định là có hư cấu nên không cần tính chính xác của cốt truyện. Dù là người trong cuộc, mà viết cũng là cách giải thoát nặng nợ trong lòng. Nhà văn cũng rất từ tốn, khách quan đề cập hay nhận thức từng vấn đề. Có lẽ do thói quen của người đã nhiều năm làm công tác hỗ trợ pháp lý? Nhà văn bắt đầu từ thông tin về nhà sư vốn là một nữ thanh niên xung phong. Tác giả muốn đi tìm hiểu một nỗi đau nào đó và không ngờ lại tìm thấy nỗi đau của chính mình. Nỗi đau đời nỗi đau tình. Ông cũng không vội vàng đi đến cốt lõi câu chuyện mà rình rang tình yêu từ tuổi mười ba. Rồi khi có đám mây đen kéo đến thì mọi người cũng nghĩ rằng không mưa, hoặc là mưa nhỏ. Nhưng mưa cứ ngày một khó chịu và cuối cùng là bão tố, quật ngã cây cối, gia súc và cả những con người mạnh mẽ, lạc quan nhất! Cái vòng kim cô cứ siết dần. Bắt đầu từ mưu hèn kế bẩn, kích động quần chúng của những ông Đội. Đến sự trỗi dậy tư tưởng hận thù giai cấp của bần cố nông. Muốn đạp xuống bùn đen những người mà họ luôn đố kỵ mà sự tố cáo bịa đặt bày ra vô giới hạn. Ruộng có ba mẫu tố thành chín mẫu rưỡi. trung nông lập tức trở thành địa chủ. Ông già gần đất xa trời bị tố hiếp dâm trở thành ác bá. Bỏ đi đơn minh oan để người có công thành phản động. Người ta không còn thấy bóng dáng của luật pháp. Chưa ra tòa người ta đã đóng cọc để xử bắn. Bần cố nông có được quyền “tự do” xưng tụng thành ông bà, hạ nhục những người bị quy thành phần bóc lột. Gọi thằng nọ con kia dù họ đáng tuổi cha mẹ ông bà mình.

Dễ dàng bắt trói, bắt quỳ, giật tóc, đánh đập hành hạ, giam cầm, nhốt vào chuồng trâu cũi lợn những nạn nhân mà tội trạng do họ dựng nên. Hậu quả cho đến cả những đứa con của địa chủ cũng phải chịu khủng bố tinh thần và vật chất, bị đẻ non, đi tù với mẹ, phải bỏ học hành, không lấy được chồng, bị đối xử bất công suốt cả cuộc đời. Dù cho rồi Nhà nước đã sửa sai nhưng cũng không thể bồi hoàn được tính mạng người, không xóa đi được những di chứng của những hành hạ tinh thần, danh dự con người. Bạo lực cũng gây nên nỗi sợ hãi trong xã hội. Những người còn chút cảm thông với người bị hại cũng không dám “dính vào địa chủ” như dính vào bệnh cùi hủi vậy!

Điều đau xót nhất có lẽ là việc hạ thấp nhân cách con người bằng việc chà đạp lên nhân phẩm người khác, tước đoạt quyền sống, quyền làm người của họ. Một số kẻ vô ơn phản phúc lại chính ân nhân từng cưu mang, thậm chí cứu sống họ. Họ được giải phóng cái ác: cảm thấy hả hê sung sướng khi hại người, hò reo cổ vũ việc giết người. Kết quả là cả kẻ hại và người bị hại phải mang di chứng cho đến hết cuộc đời. Trong hai tác phẩm của tác giả đều chỉ ra những thực tế minh chứng cho luật nhân quả. Sau CCRĐ những kẻ tham gia đắc lực để được chia một phần “quả thực” dường như bị quả báo. Suốt đời vẫn nghèo túng, thường gặp những tai ương bất ngờ, dính vào tệ nạn, bị tù đày, con cái cũng hư hỏng v.v. Trường hợp như lão Kền đến khi nhắm mắt xuôi tay mới thấm thía được điều đó. Người ta cho rằng luật Nhân Quả không chỉ là trong triết lý đạo Phật mà đó cũng là quy luật Tự nhiên. Nhưng mà, theo tôi như mọi luật lệ trên đời thường vẫn không thực thi được toàn diện. Ta cũng nên đặt câu hỏi về hậu vận của Đội Khoảnh, kẻ tạo nên mọi thảm cảnh ở một làng quê ấy sau này sẽ ra sao? Biết đâu hắn sẽ lên một chức vụ cao hơn và sẽ còn gây ra bao hậu quả khôn lường cho một địa phương hay cho cả đất nước. Chúng ta cũng không từng nghe nói có ai phải ra tòa, phải tù tội vì chủ trương và điều hành trong CCRĐ.

Khi viết xong tác phẩm Nước mắt một thời có lẽ tác giả cũng cảm thấy chưa yên lòng. Nước mắt của cái thời chỉ 1-2 năm ấy (Vì sau đã được sửa sai) của người mẹ ông vẫn chảy mãi: “Nước mắt của bà đã thành ao, thành hồ, bào mòn cuộc dời bà, làm đôi mắt long lanh hồ thu của cô Cốm năm nào thành hai cái hố sâu hoắm đục lờ chứa đầy bóng tối. Mẹ tôi khóc vì bố tôi”. Hoàng hôn lạnh, có lẽ Tác giả viết bổ sung cho những gì ông chưa nói lên được từ Nước mắt một thời. Nỗi đau tê dại đó thực tế đã kéo suốt cuộc đời một con người. Ở Nước mắt một thời nỗi oan tày trời của ông cả Lân (bố tôi trong tác phẩm)chỉ được nói đến bằng mấy dòng ngắn ngủi: “Ông là Đảng viên đảng Cộng sản Đông dương từ sau cách mạng tháng tám năm 45. Ông bị gián đoạn với tổ chức Đảng vào cuối năm 1951 khi ông theo gợi ý của cấp trên…đã đứng ra làm xã ủy…ban ngày ra trụ sở làm giấy căn cước cho bà con đi lại dễ dàng, ban đêm họp với cán bộ Việt Minh và sau đó không lâu đã bị bọn phòng Nhì Pháp tống giam vì tội hoạt đông hai mang. Ở Hoàng hôn lạnhchân dung ông Phạm Quang Tích (bố tôi trong tác phẩm) được hiện lên rõ hơn là bí thư Đảng ủy, chỉ huy đội du kích lập nhiều chiến công. Chính người lãnh đạo mà gia đình ông giấu trong hầm bí mật đã giao nhiệm vụ cho ông hoạt động hai mang. Ở Hoàng hôn lạnh có một câu chuyện mang tính thời sự là chuyện cưỡng chế thu hồi đất đai. Đây cũng là câu chuyện có liên quan gần giống việc cưỡng chế tịch thu tài sản nhà đất của địa chủ. Chỉ khác là ngày nay do nhóm lợi ích làm và có đền bù một mức giá tượng trưng. Những nỗi đau kèm nước mắt có thể cứ chảy mãi mãi khi pháp lý, pháp chế vẫn có những kẽ hở để cho những kẻ chỉ nhăm nhắm tước đoạt tài sản quyền lợi của người khác. Hai cuốn sách đều đưa ông về nguồn, về mảnh đất ông cha xưa đã nuôi dạy ông bằng một nền nếp gia phong lễ giáo có trước có sau, trọng nghĩa trọng tình. Lòng thành kính với tổ tiên thật thiêng liêng! Ông cảm nhận mối liên kết giữa hai thế giới âm dương trong những trạng thái tâm linh. Cảm nhận đó càng tăng trong Hoàng hôn lạnh. Ông cũng đã thấy được những sự ăn năn dù sớm hay muộn để hướng đến sự chân thiện như bản chất vốn có của con người như ông Khán Vĩnh, chị Én, chị Tý v.v.

Tình yêu của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đặt trên nền tảng lớn là tình yêu Quê hương dù phần lớn tuổi đời ông sống tha phương thì tâm hồn ông vẫn ở làng quê, lưu giữ trong gia đình truyền thống có ông bà, cha mẹ,anh em. Ông vẫn mộc mạc như cây lúa củ khoai, vui với cái cày, con trâu, con chó...tất cả đối với ông chúng đều tình cảm, sự tương thông gắn bó, sâu sắc hơn trong nghịch cảnh. Chúng ta thấy ông xót thương thế nào khi một cái cây bị chặt, con trâu bị hành hạ, con chó bị cắt tiết v.v. Ông yêu tình yêu đầu đời theo lẽ yêu đương nguyên thủy, tự nhiên bản năng, bất chấp những rào cản.

Một điều trái ước vọng con người xưa nay,khi mà nhân vật “Tôi” trong chuyện chỉ ước được gia đình mình nghèo, được làm bần cố nông. Trái với quy luật tồn tại và phát triển của con người. Con người một thời mờ nhạt trước tập thể để rồi nền kinh tế bước vào chế độ quan liêu bao cấp. Người ta nói đó là sai lầm duy ý chí. Tất nhiên thấy sai rồi thì phải sửa. Sai lầm có thể không tránh khỏi nhưng mà sửa chữa có dứt điểm không vẫn là nhận thấy được cốt lõi vấn đề. Mục đích tốt đẹp là phải hướng đến một xã hội yêu thương và quý trọng con người. Phát triển Đất Nước vẫn là phát triển con người có sức khỏe, có trí tuệ, có văn hóa, có nhân cách. Ngược lại loại bỏ được những kẻ lợi dụng chức quyền, tham ô, lừa đảo, những kẻ chỉ luôn tìm cách sống trên mồ hôi nước mắt của người khác. Sự công bằng xã hội cần nhìn theo góc độ người làm ra nhiều được hưởng nhiều, làm ít hưởng ít nhưng có những chính sách xã hội, hoạt động từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Truyền thống này trong tác phẩm của Nguyễn Khoa Đăng đã thấy từ thời ông cha chúng ta đã “thương người như thể thương thân”,“lá lành đùm lá rách”. Càng đọc càng thương thế hệ đi trước đã trải qua biết bao nhiêu khổ đau từ đói nghèo, từ chiến tranh, từ chính “gà nhà đá nhau”,”răng cắn vào môi”…một thời!!!

PHÙNG VĂN VINH

21/10/2023

Các Bài viết khác