NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“MỘT PHÚT YẾU ĐUỐI” VÀ NHỮNG TRANG VIẾT VỀ PHỤ NỮ CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG

( 05-03-2022 - 11:38 AM ) - Lượt xem: 1076

LGT: “Một phút yếu đuối” là tên một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, viết vào thời kỳ Tiền khởi nghĩa, đăng trên Tiên phong số 1, ra gần ba tháng sau khi Cách mạng thành công. Truyện kể về một nữ chiến sĩ cách mạng, tên An, bị hiến binh Nhật truy lùng, vì chúng đã phát hiện ra hoạt động của nàng. Ấn phẩm Người yêu sách số Tháng 3 trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trang rút từ cuốn sách nói trên của Nguyễn Huy Tưởng.

Năm 2008, Nhà xuất bản Phụ nữ có ra một tập tuyển các trang viết của Nguyễn Huy Tưởng về người phụ nữ Việt Nam, từ các nhân vật trong tác phẩm (truyện, ký sự, tiểu thuyết lịch sử) đến những người đã hiện diện và ghi dấu ấn trong cuộc đời ông. Cuốn sách gồm 336 trang, lấy tên là “Một phút yếu đuối” – tên truyện ngắn mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên. Sau khi sách ra, một số báo đã có bài viết giới thiệu, trong đó có tờ rút tít: Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có... “Một phút yếu đuối”. Âu cũng là một nét thú vị bất ngờ đối với tác giả của những Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô

MẸ VÀ EM THỨ[1]

Từ ngày có cái chòi, không ngày nào là tôi không có ở trên ấy. Vả tôi mới học lỏm được mấy chữ Nho, chữ tên tôi, và tên em Thứ tôi, tôi viết bậy vào cánh cửa, vào tường, cũng vẽ những đình, những chùa, con cò, con chim, con chó con ngựa, ngày nay tôi trông đến, không sao nín cười được.

Chòi ấy làm được ít lâu, thì gia đình tôi lại đi qua một thời kỳ rất kinh hoảng mà đau lòng. Tôi cùng em Thứ tôi đang chơi đùa bỗng sinh ra ốm đau, ròng rã trong mấy tháng giời. Mẹ tôi thật là vất vả; một mình xoay xỏa sắc thuốc sắc men, lại thêm chúng tôi quấy lắm, lúc nào cũng phải bế ẵm trên tay. Ôi! Không hiểu làm sao chúng tôi lúc bấy giờ giày vò mẹ tôi đến thế: Chạy đi chạy lại suốt ngày suốt đêm, khi thì chúng tôi bắt ẵm lên chòi rồi lại ẵm xuống ngay, khi thì đang lúc đêm khuya, chúng tôi đòi dậy đi đồng, mẹ tôi sắp sửa cho xong lại dọn dẹp một mình, khi thì chúng tôi đòi ăn cơm, ăn sữa trong lúc canh khuya, rồi thì những khi phải đấm bóp cho chúng tôi, nắn chân nắn tay cho chúng tôi, quét dọn những chỗ nôn mửa của chúng tôi, thay quần thay áo cho chúng tôi, rồi thì khuyên nhủ chúng tôi trong khi chúng tôi hờn dỗi.

Một đêm, tôi chợt tỉnh dậy. Em Thứ tôi nằm cạnh tôi, ngáy khò khè, nét mặt có chiều mệt nhọc. Trên hương án một ngọn đèn xanh. Ở bình hương, có cắm một nén hương khói lên nghi ngút. Mẹ tôi ngồi giường gian giữa, chân duỗi dài, hai tay thu bọc – vì bấy giờ giời rét – mặt đăm đăm nhìn vào phía tôi nằm. Nét mặt hiền hòa của mẹ tôi nay lại ngụ biết bao nhiêu vẻ buồn rầu đau đớn. Tôi không sao quên được cái hình mẹ tôi hôm ấy, cái nhà của tôi hôm ấy. Một ngọn đèn con, ba gian nhà ngoài – chỗ tôi nằm – mờ mờ không tối không sáng, hiện ra một vẻ âm thầm. Mẹ tôi ngồi yên, nét mặt thê lương thảm đạm, ở má anh ánh một vài giọt nước mắt, cứ từ từ giọt nọ tiếp giọt kia mà rơi xuống áo bông của mẹ tôi. Trên đầu mẹ cuốn cái khăn vuông mỏ quạ. Trừ mặt ra, toàn thân mẹ tôi đen nghịt, càng nổi rõ cái vẻ buồn. Nhất là nén hương, sao mà ngào ngạt thơm tho; khói hương lên nghi ngút, bay cao lên, gặp cái đèn tọa đăng, tỏa ra như hình tòa sen của đức Phật ngồi, tăng thêm vẻ cung kính lúc bấy giờ. Mẹ tôi chắc ngồi cầu khấn Phật trời cho chúng tôi chóng tai qua nạn khỏi, chóng mạnh khỏe vui chơi.

Tôi nhìn mẹ tôi, tôi đã toan gọi, nhưng vì em Thứ tôi giở mình chạm vào tôi, tôi quay lại chỗ em tôi nằm thì, giời ơi, tôi trông thấy ngay nét mặt khô khan, gày gò, cái quầng mắt thâm, cái môi xốp, cái cằm nhọn hoắt, cánh tay mỏng mảnh, chiếc thân đét nhỏ lại mà nhất là cái ngực thoi thóp của em tôi. Trông thấy quang cảnh như vậy, tôi thương em tôi quá, tôi nhỏm dậy mà nắm lấy tay em tôi. Bấy giờ em Thứ tôi cũng dậy, thấy tôi sẽ hé mồm cười. Ôi! Em tôi yêu tôi quá, đến nỗi thân đương ốm đau như vậy mà vẫn tỏ lòng yêu thương tôi bằng một nụ cười chứa chan là tình đằm thắm hiền hòa!

Hôm sau em Thứ tôi tỉnh táo như thường, có phần lại tỉnh táo hơn tôi. Anh em tôi ngồi trước mặt mẹ tôi ăn táo tàu, ăn sữa, em tôi thỉnh thoảng lại cười, – hôm nay mới lại thấy cái nụ cười rất xinh xắn mặn mà của em tôi – liếc mắt nhìn mẹ tôi rồi nhìn tôi, nét mặt có vẻ hồng hào tươi tốt.

Đến trưa thì có các anh em họ hàng tôi đến chơi. Em Thứ tôi cười đùa vui vẻ với cả mọi người mà gọi từng người đến ẵm chơi quanh trong nhà. Mẹ tôi hớn hở chạy đi chạy lại. Duy có thày tôi có vẻ ngơ ngác lo sợ, cứ nhìn em Thứ tôi đăm đăm không rời mắt.

Mãi đến hai giờ, bỗng em Thứ tôi khóc và nhăn mặt rồi đòi thày tôi ẵm. Thày tôi nhìn mặt em Thứ tôi, vẻ suy nghĩ. Tôi chỉ thấy mặt em tôi bấy giờ đỏ bừng, khóc lóc mãi mà không ngớt, thỉnh thoảng lại ngất đi, hết đòi thày tôi ẵm, lại đòi mẹ tôi, anh cả tôi, chị dâu tôi ẵm. Nó khóc nghe nóng cả ruột. Bỗng thày tôi bảo anh tôi rằng: “Ý, mày đem thằng Tưởng đến bác đi”, giọng có vẻ đau đớn.

(…)

Dần dần sáng rõ, gà gáy liên thanh. Tiếng người rút rạ, tiếng người chẻ củi, tiếng vo gạo văng vẳng bên tai tôi. Ngồi thấy tê chân, tôi liền nằm xuống. Tôi thiu thiu sắp ngủ, bỗng xa xa nghe một tiếng khóc não nùng, giữa những cái nức nở, tôi nhận rõ được tiếng: “Con ơi!” Tiếng khóc càng ngày càng to, tôi nghi tiếng mẹ tôi khóc em tôi. Phải thực, còn ai vào đấy nữa mà chẳng phải tiếng mẹ tôi. Một lúc thấy rộn rịp ở cạnh buồng tôi nằm – vì buồng tôi làm cạnh đường cái. Tiếng khóc đích là tiếng mẹ tôi, tôi đồ ngay ra rằng em tôi mất rồi, mẹ tôi khóc mà đưa nó ra đồng vậy. Lòng tôi thổn thức; anh tôi thì thỉnh thoảng lại lấy tay gạt nước mắt. Tiếng khóc cứ từ từ mà nhỏ lại, nhưng nó vẫn tỉ tê ở mãi đằng xa, có lẽ là ở ngoài đồng. Tôi hỏi anh tôi rằng: “Cái Thứ nó chết rồi ư hả anh?” Anh tôi nói: “Mày chỉ nói gở thôi, ngủ đi chốc nữa ta ẵm về chơi với nó; có chóng khỏi đi thì nó mới chơi với mày chứ”. Tôi nghe vậy mừng lắm, liền nằm xuống ngủ yên.

Bỗng thấy một tiếng người gọi đến tên tôi, tôi bừng mắt dậy, thấy người khoan khoái dễ chịu. Anh tôi đứng bên sẽ gọi tôi rồi hỏi tôi rằng: “Tưởng ơi! Có muốn về không?” Tôi nhoẻn miệng cười, vùng đứng dậy, nhưng không được, bèn bấu lấy cổ anh tôi mà bảo rằng: “Anh cõng em về, ở đây chán lắm”. Anh tôi lại trùm chăn cho tôi, rồi ẵm tôi về. Sự vui mừng làm tôi quên hết cả rằng tôi đương mệt. Về đến nơi, anh tôi vừa đặt tôi xuống giường thì đã thấy một cái tay sẽ sẽ mà nới ra cho tôi. Tôi trông ra thì té là mẹ tôi. Mặt mẹ tôi vẫn còn ngân ngấn vài giọt nước mắt. Tôi nhìn đến mắt mẹ tôi, thấy sưng húp lên mà vẫn đỏ ngầu. Tôi không sao cầm lòng được, vội vùng ở trong chăn ra mà với lấy mẹ tôi. Nét mặt mẹ tôi, hình như trông thấy tôi, đang đau đớn, lại đổi ra cái vẻ sung sướng, như cảm ơn giời phật còn để cho một mụn con này. Mẹ tôi ôm lấy tôi, để cằm vào đầu tôi mà day đi day lại, lấy áo bông mà ủ vào người tôi, rồi tôi thấy mắt mẹ tôi lại chan chứa mấy hàng lệ, cứ sẽ sẽ mà chảy xuống áo bông, cầm lại không được. Tôi ngẩng đầu lên trông mẹ tôi, thấy mẹ tôi cười với tôi, ngụ bao vẻ yêu quý xót thương. Mẹ tôi ôm chặt tôi hình như lại sợ có người đến cướp nốt mất tôi!…

 

NGÓ[2]

Mồng bốn tết rồi! Tôi đã hai bảy tuổi rồi đây. Hai bảy tuổi, cái tuổi cũng đã to thay. Tôi thấy trong lòng mang mang, cảm thấy một thứ buồn vô hạn. Một năm đã qua, một tuổi thêm lên, người một già hơn, rồi lại già nữa. Tôi muốn bắt đầu viết Nhật ký từ hôm nay, rồi viết mãi, để đánh dấu đường đời tôi đã qua. Tôi không biết nói gì. Hễ cứ cầm bút tự tả, y như là tôi lại phải phàn nàn về cái đời vô vị của tôi, y như là tôi lại nghiệm thấy mình yếu hèn nhu nhược. Mà không yếu hèn nhu nhược là gì? Tôi muốn học hành cho cực giỏi, mà trí tôi thì ngu độn, tôi muốn tập võ cho khỏe người, mà tôi ốm yếu luôn. Một tai tôi thì điếc. Sáng hôm nay tôi mới nhận thấy thế, một cách khủng khiếp. Tai bên phải của tôi cứ ù ù, như thở ra, bịt tai trái đi thì tôi không nghe rõ gì hết. Tôi định bắt chước anh Thu mà học thi Tú tài, rồi vào trường Cao đẳng học, mà còn có hơn sáu tháng nữa, không biết tôi có toại chí không?

Buổi trưa tôi về, tôi không thấy Ngó, đứa ở gái của Mr Đắc[3]. Mọi khi nó vẫn lên xới cơm cho chúng tôi. Trông con bé mới kháu khỉnh dễ coi biết bao! Hình như tôi có chút tình yêu đối với nó, vì mỗi khi về không thấy nó thì tôi không vui, và mỗi khi ở sở ra về, là tôi sung sướng được về gần gụi nó. Trong bữa cơm, tôi hay pha trò, chỉ cốt để cho Ngó cười. Mà thấy Ngó cười là tôi sung sướng vô cùng. Ngày hôm nay, tôi về thấy khác. Ngó không có đây. Đến lúc cơm xong, tôi xuống nhà rửa mặt, thấy nó đứng nhìn tôi một cách khác ngày thường, tôi lấy làm lạ, định bụng sẽ trêu ghẹo nó, khi nó lên gác. Rồi tôi lên gác. Đợi mãi, chẳng thấy Ngó lên. Một lúc, thấy ở nhà dưới có tiếng Mr Đắc nói: “Phải cho Ngó 0$20 chứ!” Tôi giật mình. Vì cho tiền, tức là cho Ngó về quê. Không hiểu làm sao tôi lại cho là nàng sẽ về quê mà không giở lại. Tôi bèn xuống dưới nhà, giả vờ gọi nó lên quét sân. Bà Ba nói rằng cho nó về quê để tìm người khác, vì nó chậm chạp không biết gì. Tôi như bị gáo nước lạnh đổ vào người. Ngó yêu quí của ta đi rồi. Từ đây ta lại cô độc rồi.

Tôi lên gác, trong lòng canh cánh như thiếu một thứ gì. Ngó, người con gái đẹp ngây thơ, với giọng nói êm đềm. Tôi nhớ hôm tôi vội vã đi làm gọi nàng lấy nước, nàng vừa pha, vừa sẽ hỏi tôi bằng một giọng rất dịu dàng: “Cậu đi đâu sớm thế?” Trong lời nói, tôi nhận thấy biết bao nhiêu tình âu yếm.

Tôi cứ phảng phất nhớ nàng. Cả buổi chiều ở trong sở tôi bị hình ảnh nàng ám ảnh. Tôi tưởng tượng cánh đồng rộng rãi xơ xác, mưa phùn mù mịt, nàng xách khăn gói trở lại nhà nàng với bố mẹ anh em, với những người thân yêu của nàng, mà nàng không được sum họp mấy ngày Tết. Rồi nàng cứ xa cách mãi tôi, cho đến không bao giờ gặp gỡ nữa. Trên đời mù mịt, nàng chỉ là một cái chớp rồi tan đi.

Hỡi Ngó, ta chúc cho nàng được mọi sự như ý. Và ta mong nàng sẽ được tuyết sạch giá trong mà không phải đọa đầy mưa gió. Nàng để lại trong tâm hồn ta một kỷ niệm êm đềm. Tình ta đối với nàng vẫn còn trong sạch, ta ao ước nàng và ta còn yêu nàng mãi mãi. Thôi nàng về, trên con đường nhỏ gập ghềnh, giữa cánh đồng trơ gốc rạ, gió thổi mưa phùn. Nàng đi cho chắc, và nên nghĩ rằng ở xa ta nhớ nàng vô cùng.

 

“EM BÉ HÀNG VÔI”[4]

Tôi đã gặp nàng. Người con gái mà năm 1936 tôi không để ý đến một chút nào, nay đã chiếm hết cả linh hồn tôi. Tôi giải rõ: Năm 1936 tôi mới đi làm Đoan[5] [Thuế quan]; tôi sung sướng, tôi mãn nguyện, tôi tự thấy đầy đủ. Chiều chiều, tôi ở sở ra, đi bộ về nhà, thường thường qua phố Hàng Vôi, với bộ mặt có lẽ vui tươi, với bộ áo tây có lẽ bảnh bao sạch sẽ. Có một ngày kia, tôi chợt nhìn lên gác một ngôi nhà to đối cửa kho muối nhà Đoan. Tôi thấy một thiếu nữ nhỏ nhắn đang lấy tay chỉ tôi, và cười một thứ cười trong trẻo. Tôi thẹn, và cắm đầu rảo bước đi. Ngày ấy sang ngày khác, tháng ấy sang tháng khác, tôi cứ đi qua phố Hàng Vôi, và nàng cứ đứng trên gác nhường như chờ tôi. Có đôi khi, thấy tôi ở đàng xa đi lại, nàng reo mừng, gọi bạn ra lấy tay chỉ tôi rồi cùng cười. Dần dần tôi quen, và thành thói: tôi cứ phải qua phố Hàng Vôi. Hôm nào không đi qua được thì khó chịu. Có khi không thấy nàng đứng trên gác thì tôi thấy nhớ nhung một cách vẩn vơ. Rồi thành lệ, cứ đi qua gác người thiếu nữ, là như cái máy, mắt tôi ngước lên. Đôi khi đi với bạn, tôi cũng chỉ cho bạn người con gái đã để ý đến tôi một cách lạ lùng. Có hôm, tôi lên chỗ sở bạn tôi làm, ra đứng ngoài hiên nhìn thông thống sang nhà nàng: nàng thấy tôi, lại e thẹn lui vào, rồi chỉ lấp ló mà không ra nữa. Nàng còn đi học. Nhiều khi lại gặp lúc nàng về, hoặc lúc nàng đi. Nàng ăn mặc xuềnh xoàng. Tôi đã nói là khi ấy tôi thấy đời tôi mãn nguyện: tôi tự cao, tự đại, cho cái đời thư ký của mình là thần thánh lắm rồi, tưởng tượng như mình có thể vớ được những đám vợ rất cao. Nhưng nói của đáng tội, thì ngày ấy, tôi không có ý muốn lập gia đình, tôi muốn kéo dài cái đời “sê li bạt” [độc thân] chơi bời cho thỏa thích no say. Cho nên tôi tuy để ý đến nàng, nhưng để ý một cách lãnh đạm, vô tình, thản nhiên. Tôi không biết rằng cái mầm yêu đã kết, một cách vô ý thức (cố nhiên rồi), nhưng chặt chẽ biết bao!


Bỗng một hôm, tôi thấy người bạn gái vẫn đi học với nàng đi một mình. Buổi chiều, đi qua nhà nàng, tôi thấy cửa đóng, nghé trông khe cổng, thấy trong nhà vắng tanh! Tôi lạnh toát cả người. Nhà nàng dọn đi rồi! Buổi chiều hôm sau, tôi qua phố Hàng Vôi, chỗ nhà người thiếu nữ, ngước mắt lên nhìn, chỉ thấy cửa chớp đóng kín, bốn bề lạnh ngắt như tờ. Nàng đi rồi vậy! Biết tìm nàng ở đâu? Luôn một tuần lễ đi qua đi lại chỗ nhà quen mắt ấy, tôi để ý xem xét cho kỹ, – vì tôi còn hy vọng là nhà nàng đi chơi đâu rồi sẽ trở về – nhưng sau cùng tôi cảm thấy một thứ buồn, do nhớ tiếc, một thứ buồn man mác, sau khi đã biết đích xác rằng gia đình nàng đã đi ở chỗ khác rồi. Con chim xanh bay đi nơi khác, từ đó tôi cũng ít qua lại phố Hàng Vôi, và từ đó tôi không gặp nàng nữa. (…) 

Cái hình ảnh nàng đứng trên gác phố Hàng Vôi, gọi chị em ra rồi chỉ vào tôi mà cười một thứ cười trong sạch, cái hình ảnh nàng khi tôi nhìn lên một cách táo bạo thì lại thụt vào nhà trong, hình ảnh ấy mỗi khi tâm hồn tôi đau đớn hay không yên lại nhô lên trong ký ức tôi. Tôi đã bắt đầu đi tìm nàng, nhưng đi tìm một cách uể oải theo tính không sốt sắng của tôi, nhưng dẫu sao, tôi cũng đã đi tìm nàng. Rút cục, nàng mịt mù ở chốn nào không biết. Nhưng một hôm kia, tôi đi dậy học trưa, chợt nhìn lên gác một ngôi nhà mát mẻ phố Gia Long[6], tôi bỗng thấy nàng, tôi sửng sốt, và nàng thấy tôi, cũng tỏ ý ngạc nhiên. Nàng nhìn tôi không cười nữa, và trong cái nhìn, tôi đã thấy cái vẻ đứng đắn rồi. Rồi từ hôm ấy, tôi đi qua, trong khoảng một tháng, lại thấy nàng ở trên gác nhìn tôi. (…)

Hình ảnh người thiếu nữ ở phố Hàng Vôi một ngày một tỏ, chiếu sáng linh hồn tôi và thành một lực lượng. Tôi băn khoăn nghĩ đến nàng. Một hôm, tôi gặp nàng ngồi trên xe ô tô với một bọn đàn ông, trong ấy có một người mà Đồng khi đó cùng đi với tôi bảo là Huỳnh Văn Phương, một chiến sĩ xã hội, một đảng viên cộng sản. Hôm ấy nàng bận áo trắng, trang điểm rất khéo, cho nên nàng đẹp bội phần. Mắt chúng tôi gặp nhau, và tôi sung sướng biết bao khi nàng ngoảnh lại nhìn tôi. Tôi hình dung nàng như một người thiếu nữ nhiệt thành, ham hành động, và cao thượng hơn người.

Người thiếu nữ ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi yêu nàng. Hình ảnh của nàng bao phen bị lung lay, trong địa phận lòng tôi, từ đó hoàn toàn đứng vững, và cái chủ quyền thần thánh ấy một ngày một được kính trọng hơn lên.

Tôi yêu nàng. Tôi muốn ca tụng nàng. Tôi muốn nêu nàng làm một nhân vật lý tưởng. Ngày hội chợ phiên năm ngoái tổ chức ở Vườn Bách Thảo, nàng đi với một người đàn ông có lẽ là thân phụ nàng. Nàng vẫn nhỏ bé, gầy như mai, nhưng thướt tha sang trọng như liễu, trong bộ áo xanh, “nổi” một cách lạ thường. Nàng đi giữa đám hội người đùa bỡn, như con phượng giữa đàn công. Ôi! Tôi muốn gặp nàng, tôi nắm hoa [giấy], và chỉ chờ dịp gặp nàng đi lại là tung vào nàng mà nói: “Pour vous, la plus belle des femmes” [Tặng cô, người phụ nữ đẹp nhất]. Nhưng rút cục, nàng lẫn vào sóng người, rồi tôi không tìm thấy nàng nữa. Tôi âm thầm đem cái hình ảnh người con gái ấy về như một kỷ niệm quý giá. Cũng có khi tôi quên nàng đi, nhưng thỉnh thoảng, lòng tôi lại tha thiết, dồn dập, khi hình ảnh yêu quí đột ngột vượt lên thượng từng ký ức.

(…)

Hôm nọ, tôi nằm nói chuyện với bạn tôi, tôi có nói đến nàng, tôi có nói rằng tôi yêu nàng một cách thành thực, không vì tư lợi; tôi yêu vì nàng là nàng, và trong đời tôi, tôi chỉ yêu nàng với quả tim thanh khiết. Bạn tôi có nói rằng hiện nàng ở Hưng Yên, trong đồn điền của thân phụ nàng. Tôi bàn với bạn tôi cách làm sao gặp được nàng, gặp để mà gặp, thế thôi. Đương khi chưa biết tìm nàng ở đâu, thì sự tình cờ – tôi toàn gặp nàng với một cách bất ngờ – hôm tôi đi xem chiếu phim Capitaine Janvier [Thuyền trưởng Tháng Giêng], đang thơ thẩn nhìn ảnh ở ngoài rạp Majestic[7], có lẽ cũng đương nghĩ đến nàng, thì chợt trông ra, tôi thấy nàng bên cạnh, đẹp hơn bao giờ. Tôi sung sướng nẩy người lên. Và nàng hình như cũng một thứ cảm tình ấy. Tôi cuống quýt vội vào đổi lấy vé hạng nhì. Đến lúc vào, tôi thấy nàng chót vót ngồi với bạn ở đầu ghế hạng nhất, tôi thấy hổ thẹn lạ lùng, tuy rằng thấy nàng chú ý đến tôi một cách đặc biệt.

Tôi vẫn chưa biết địa chỉ nàng đâu. Nhưng tôi thấy tôi “lụt” trước người thiếu nữ ấy rồi. Có lẽ nàng học đến năm thứ tư rồi, có lẽ nàng đỗ bằng Thành chung rồi, sao tôi lại yêu nàng muộn thế, đến nỗi để cho nàng lên cao mãi mà mình không với tới nữa. Nhưng có hề gì, tôi đã gặp nàng, thế là mãn nguyện. Mấy hôm sau, tôi sung sướng, tươi tỉnh cả người. Tôi bỏ cái ý tưởng muốn đi Haiphong, tôi muốn ở Hanoi là nơi nàng ở; tôi còn mong gặp nàng nhiều lần nữa. Bao nhiêu những ý nghĩ dâm bôn đê tiện, tôi gạt đi cả, hơn nữa, tôi sợ làm những sự nhơ nhuốc. Tôi muốn xứng đáng với nàng. Tôi phải tẩy hết cả những cái bẩn thỉu trong lòng u muội của tôi. Nàng qua, như đem một luồng gió thơm tho thổi vào tôi, và quét hết bụi trần. Tôi lại muốn làm văn, làm sách, tôi muốn chóng làm xong bộ “Ngọc Khánh và Mộng Mai” và gửi tặng nàng một cuốn. Tôi muốn làm dáng, và tôi không hiểu làm sao tôi ăn mặc một cách quá ư lếch thếch. Tôi yêu đời, tuy tôi cảm thấy cái đời thư ký của tôi hèn hạ, và tôi muốn tôi đẹp, tôi giỏi, tôi có tiếng, vì người thiếu nữ không quen biết của tôi ở phố Hàng Vôi. Có lúc ngông cuồng, tôi lại muốn tìm đến nàng, hỏi cho được tên nàng – rồi thôi – để lấy tên nàng đặt cho một nhân vật trong sách hay trong tiểu thuyết mà tôi sẽ làm. Ôi! Cái đêm gặp nàng, về đến xóm Khâm Thiên tôi thấy đau khổ tự thẹn biết bao! Nàng về nhà cao cửa rộng, tôi về nơi hang tối với dân nghèo. Tôi thấy buồn một thứ buồn cô liêu; nhưng từ hôm đó, tôi thấy tôi đổi khác ít nhiều, và tôi muốn làm việc cho tên tuổi tôi và để phụng sự người yêu.

 

CÔ HÀNG XÉN CỔ LOA[8]

Cô Nhân, cô hàng xén ở Cổ Loa đã đi lấy chồng. Cô với tôi đã có tình ý với nhau. Cô là cả cái năm ngoái của tôi. Tôi nhắc tới cô, như nhắc tới cái thời đã qua, không trở lại nữa, tôi thấy nhớ, thấy tiếc, tôi ngẩn ngơ, tôi thấy cái trẻ một lùi, cái già một tiến; tôi thấy tiếc cái buổi ngây thơ – mới năm ngoái tôi gặp nàng, gặp ở ga Đầu Cầu – khi nàng gánh hàng ra tầu, tôi cảm nàng với đôi mắt cực sáng và lẳng, ngực rất nở, da rất trắng. Khi xuống ga Xuân Kiều, nàng cũng xuống, khi nàng đi, tôi nhìn mãi theo sau. Rồi viết thư, rồi những buổi chợ Sa, tôi về với nàng, rồi cái hôm chợ xép nàng đứng nói chuyện với tôi, vứt vỏ bưởi vào tôi, rồi cái hôm nàng đứng cua cỏ ở ruộng, thấy tôi nàng chạy lại tự tình, ngồi ở bờ ruộng rồi hẹn tôi đến chơi. Than ôi! Bao nhỉêu những cái nhỏ nhặt ấy đã làm đầy lòng tôi năm ngoái, cái lòng dễ yêu, dễ cảm của tôi. Buổi cuối năm, có người nói chuyện rằng có con ông lục sự Đông Anh đến hỏi nàng, nhưng nàng không chịu, nói nhất định lấy tôi, lấy anh Tưởng kia. Tôi cũng không lấy việc đó làm quan tâm. Nhưng bây giờ, đang buổi đầu năm, tình tôi bồng bột, lại nghĩ đến nàng, tôi cảm thấy rằng nàng xa tôi lắm, tôi không bao giờ còn thấy nàng nữa, tôi không bao giờ được cái thú đến chợ Cổ Loa, nói chuyện bâng quơ với cô hàng xén đã thực bụng yêu tôi, trong khi tôi chỉ đi đuổi những mã cánh tân thời mà quên bẵng người vẫn yêu tôi trong xó tối. Tôi lại nhớ buổi cuối năm, trước tết độ hơn một tháng, tôi lại gặp nàng ở chợ, nhưng lần sau này, tôi thấy nàng không vui như trước, và ăn nói dè dặt. Phải chăng nàng đã mong mỏi tôi một cách tuyệt vọng, một cách van lơn? Có lẽ nếu trông rõ vào mặt nàng, tôi sẽ nhận thấy đôi mắt oán hận. Thôi, thế là hết. Hết một cách lặng lẽ, nhưng âm thầm, một câu chuyện tình, nó mở từ đầu năm ngoái, và nó kết thúc vào đầu năm nay. Bây giờ có về đến chợ, tôi sẽ chỉ thấy trơ những người chế giễu, mà bóng nàng thì khuất hẳn, mất hẳn. Nhân có còn âm hưởng gì trong lòng ta nữa không?[9]

 

 2 trang đầu cuốn sách

 

 

KÝ SỰ MỘT THÁNG TÂN HÔN[10]

Tôi lại nhớ đến căn nhà số 74, phố Duvigneau[11] ở Hanoi. Đó là cái tổ uyên ương của chúng tôi. Đấy là nơi tôi được nghỉ mát trên đường nắng; đó là chiếc giếng trong trên bãi cát mênh mông.

(…)

Bữa cơm hôm ấy, bữa cơm đầu do chính vợ làm. Hôm ấy, tôi đưa tiền cho thằng Dung đi chợ, sau khi đã hỏi vợ tôi nên đưa bao nhiêu. Bữa cơm ngon, và vợ tôi ngoan ngoãn, ngồi xới cơm cho tôi, khiến cho tôi bằng lòng vô cùng. Tôi còn nhớ, trước khi ăn còn hôn hít vợ tôi mãi mãi mới thôi. Muốn cho ái tình của tôi và của vợ tôi được sống một cách hoàn toàn, tôi đóng hết cả cửa lại, và tự do trong căn phòng tối tối, tôi thả trôi lòng yêu.

Hôm sau tôi đi làm, không ngờ rằng đã có lệnh cho các viên chức được đi trưa để đi xem điểm binh (vì hôm sau nữa là ngày hội Đình Chiến[12]). Đến sở được ông Chánh cho về, tôi chỉ mong chóng về với vợ tôi. Uyên lấy làm lạ rằng giữa giờ làm, tôi lại về được. Hôm ấy mẹ tôi ra, để dẫn vợ tôi vào Thái Hà ấp lễ tổ họ ngoại. Ngồi với vợ độ nửa giờ, hôn hít vợ tôi trong căn phòng ấm cúng và yên lặng, không có con mắt tò mò nào biết đến, âu cũng là một cái thú tuyệt trần! Mẹ tôi về [quê], dầu tôi đã dặn vợ tôi mời ở lại với chúng tôi, và tôi đau đớn tưởng như mẹ giận. Thực ra, có bao giờ mẹ tôi lại giận chúng tôi?

Trên bàn giấy của tôi, sách để nguyên. Trong suốt hai mươi hôm, tôi không sờ đến bút. Trên mặt bàn, tôi để cái ảnh của tôi chụp ngày cưới, cái thư chúc mừng của chị Hương Bình[13] và một cái nữa của anh Sán[14], người thì chúc cho lứa duyên lâu bền như cây vạn niên thanh, người thì nói rằng gia đình cần thiết cho những linh hồn có những dục vọng lớn lao.

Thì giờ, tôi chia ra để yêu vợ, hoặc sang nhà vợ, hoặc lên Hàng Đẫy[15], hoặc đi chào những người quen thuộc bên nhà vợ hay bên nhà tôi, hoặc để tiếp những nhân viên trong họ vợ tôi đến thăm chúng tôi. Có một cái phiền nhất, là từ khi ấy, ai ai cũng xa lánh chúng tôi. Tuy được lòng yêu của vợ kéo lại, cảnh hiu quạnh mà tôi phải chịu ấy, cái thái độ gờm của mọi người trong nhà, làm cho tôi đau đớn quá chừng.

Có lẽ đêm thứ bẩy đầu tiên ấy, giữa đêm hôm hội Đình Chiến ấy, là đêm chúa tể của chúng tôi. Có lẽ đêm ấy là đêm tôi khai phá đóa hoa tươi. Vợ tôi sạch sẽ, người nàng trơn tuột như thiên nhiên. Tôi ôm lấy vợ tôi, tự do, toàn quyền, chúa tể, say sưa. Tôi vuốt ve nàng, tay tôi say mê không cản trở. Uyên hoàn toàn là của tôi, hoàn toàn trong trẻo từ linh hồn đến xác thịt. Ôi cái đêm thiêng liêng! Ôi cái đêm chúa tể! Ôi cái đêm say sưa! Ôi cái đêm tôi dấn hồn vào cõi mộng bao la! Ôi cái đêm đầy hỉ xả của người vợ quí! Tôi vẫn nhớ rằng tôi còn yếu, vì mệt, vì mấy ngày cưới, tôi đã mất thăng bằng của cuộc đời cần gìn giữ. Tôi chưa muốn nhập cảnh Bồng Lai vội, tôi còn muốn kính trọng cái trong sạch thiêng liêng của vợ tôi. Tôi không tin sức vụng về của tôi. Nhưng tôi cũng quả quyết vào vườn xuân. Tôi thẹn thò, vì tôi đã trượt chân trước ngưỡng cửa. Tôi nhìn mặt vợ tôi, để xem có chút gì hiện ra vẻ khinh bỉ tôi không, nhưng tôi yên tâm. Vì em tôi là một gái Đông Phương hoàn toàn, đứng ở ngoài những cái cầu kỳ của vật dục. Tựa như đóa hoa thanh khiết, trong bóng bướm chập chờn, còn giữ cốt cách, nàng che mặt bằng bàn tay nhỏ nhắn. Khi bướm đã bay, sau cuộc say sưa chóng vánh và nông nổi, và bướm thẹn thò, nhìn lại, hoa còn phong nhị, nằm yên, mắt nhắm, trong một dáng ngây thơ. Cái mà tôi sợ, đã đến, nhưng đã qua, như tôi đã qua một cơn nguy hiểm.

Đêm trường, cảnh lạnh, khúc ái ân còn tấu lại mấy lần. Cuộc kinh nghiệm đã thành, tôi không bị tẽn trong lòng tự ái, và đã được bằng lòng trong bổn phận người chồng. Tôi cũng chẳng, như ai, khó tính, thử chữ trinh trong giọt máu hồng. Cuộc ái ân đã diễn trong bầu không khí hoàn toàn thành thực và cao thượng. Gió hạ qua vườn, hoa tươi mất nhị, nhưng không mất hương thơm sắc đẹp.

Chủ nhật đầu, tôi đã vào thềm quý phái. Bà nhạc tôi đã dặn rằng hôm ấy đi chào mọi người. Sáng dậy, sau một đêm gắn bó, chan chứa ái tình, chúng tôi sắm sửa ra đi. Vợ tôi mặc xinh quá, diện quá, và mũm mĩm quá. Chiếc áo nhung lam, khăn xanh quàng cổ, kiềng, vòng lóng lánh màu vàng: vợ tôi sang trọng và nàng như là hiện thân của cả cái đẹp, cái tươi. Tôi lấy làm lạ, và hơi lo sợ, khi bây giờ thấy vợ tôi gầy đi, choắt đi, xấu đi. Tôi tự cho là phải chịu cái trách nhiệm ấy. Tôi còn nhớ, ngày cưới anh Lợi, tôi nhờ vợ đi đón dâu cho bạn. Nàng ăn mặc cực sang trọng. Và khi dâu về, khi em tôi thấy tôi, chạy vào định cầm bó hoa để tặng cô dâu, tôi thấy em tôi xinh đẹp, và ngây thơ, trong cái vội vã của nàng. Cái cười của nàng ngày ấy tươi, mắt  nàng sắc và sáng, người nàng đẫy đà, và mặt nàng đầy đặn. Thấy vợ suy, tôi lại không yên. Em tôi ít ngủ lắm, có lẽ cái ít ngủ ấy đã rút cái vẻ tươi, vẻ đẹp của em tôi. Tôi nghĩ dại. Tôi thấy rầu rầu. Em ơi! Em nhởn nhơ có biết đâu viết đến đây, anh thấy thương em vô cùng, lo ngại cho em! Em, một kho tàng tính tốt, em sẵn dạ hi sinh, và chỉ biết có một điều: yêu chồng và thành thực theo chồng…



[1] Trích tự truyện “Cái đời tôi”, viết năm 18 tuổi.

[2] Trích nhật ký ngày 3-2-1938.

[3] Ông Đắc, đồng sự của tác giả.

[4] Trích nhật ký ngày 28-7-1938. Đầu đề rút từ một đoạn nhật ký ngày 7-2-1939.

[5] Làm ở sở Thuế quan (Douane) Hà Nội, khi ấy nằm ở đầu phố Trần Quang Khải, tại tòa nhà nay là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

[6] Nay là phố Bà Triệu, đoạn từ đầu Hàng Khay đến Nguyễn Du.

[7] Nay là rạp Tháng Tám, Hà Nội.

[8] Trích nhật ký ngày 23-2-1939.

[9] Nửa cuối những năm 1950, khi viết tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô và truyện phim Lũy hoa, Nguyễn Huy Tưởng đã đặt tên cho nhân vật cô gái làng hoa Ngọc Hà là Nhân, chắc không phải ngẫu nhiên.

[10] Trích nhật ký ngày 13-3-1940, thuật lại ngót một tháng sau hôn lễ của tác giả, diễn ra vào ngày 7-11-1939.

[11] Nay là phố Bùi Thị Xuân.

[12] Ngày 11-11-1918, Đức ký Hiệp ước đầu hàng, chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Thời thuộc Pháp, ngày này hàng năm được lấy làm ngày hội Đình Chiến, có duyệt binh.

[13] Nữ sĩ Hương Bình, vợ người bạn thân Lưu Văn Lợi.

[14] Vũ Tuấn Sán, bạn thân của tác giả, về sau trở thành nhà khảo cứu và dịch thuật với bút danh Tảo Trang.

[15] Lên chơi nhà cụ Tú, ông nội vợ tác giả ở phố Hàng Đẫy, nay là phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

 

Các Bài viết khác