NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGƯỜI VẪN CÒN ĐÂY

( 23-05-2022 - 11:11 AM ) - Lượt xem: 752

Chúng ta hãy nâng niu từng sợi tóc, từng giọt máu, từng tình cảm nhỏ của con người. Hơn lúc nào hết, phải đề cao cái ý thức tôn trọng con người, tôn trọng cái địa vị chủ nhân của mỗi một người Việt Nam. Không để cho một cử chỉ thô bạo nào xâm phạm đến con người. Mỗi một con người là một lâu đài thiêng liêng mà chúng ta phải tới với một tấm lòng chân thành tôn kính. (MỘT NGÀY cHỦ NHẬT)

Tôi đến với ông, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bằng cuốn “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” năm 9 tuổi đang học lớp 3. Ngay từ đầu tôi bị cuốn hút bởi hành động bót nát quả cam bởi lòng căm thù giặc Nguyên-Mông của Trần Quốc Toản từ đó tôi háo hức dõi theo từng bước chân, từng trận đánh giặc dưới bóng cờ “Phá cường địch báo Hoàng ân” của anh Trần Quốc Toản. Cũng từ đó nhà văn đã mang đến cho tôi lòng yêu thích lịch sử nước nhà mà nhất là các anh hùng dân tộc thời Trần. Tôi đã tìm đọc về Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và rồi tôi tìm được cuốn “Kể chuyện Quang Trung”, qua tác phẩm này tôi lại được biết nước Việt ta có một vi đại tướng, một vị vua thiên tài chỉ trong một tháng từ Kinh đô Huế ông vừa hành quân vừa tuyển quân vừa huấn luyện quân đã thần tốc tiến về Thăng Long quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh và bè lũ tay sai bán nước. Cũng từ đó tôi tìm đọc những tác phẩm viết về Quang Trung-Nguyễn Huệ và những tướng lĩnh của Vua như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm…

Vâng chính ông, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã mang đến cho tôi lòng yêu lịch sử dân tộc, lòng ngưỡng mộ, biết ơn cha ông ta đã bao đời không quản ngại hy sinh, gian khổ đẻ bảo vệ, chiến đấu chống ngoại xâm dựng nên nước Việt yêu dấu cho chúng ta hôm nay và càng thấm thía câu nói của Bác Hồ trước đền Hùng năm 1954 trước cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong: “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Trưởng thành với thời gian tôi lần lượt được đọc hết các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà đỉnh cao là Vũ Như Tô, Những người ở lại, Sống mãi với thủ đô. Nhưng với tôi bút ký “Một ngày chủ nhật” của ông mà tôi được đọc năm 21 tuổi đã thực sự làm tôi lớn lên về tâm hồn đó là con người sống phải có nhân văn, phải có trách nhiệm với chính mình, phải biết chăm lo cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước và tình nhân loại. Và bút ký đã cho tôi hiều thế nào là yêu nước, yêu văn hóa truyền thống của dân tộc. Tôi thật sự trưởng thành sau khi đọc bút ký “Một ngày Chủ nhật”. Với tôi với tác phẩm “Một ngày chủ nhật” nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã bước ra khỏi khuôn khổ của một nhà văn mà ông đã trở thành một nhà văn hóa, nhà văn hóa Việt Nam.

Sau này được đọc 3 tập Nhật ký của ông tôi đã hiểu vì sao ông viết bút ký “Một ngày Chủ nhật”. Bút ký ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt đó là những sai lầm của Đảng của Chính phủ trong việc điều hành đất nước sau Hòa bình lập lại. Đặc biệt là những sai lầm rất trầm trọng của cuộc CCRĐ như tổ chức đấu tố khuyến kích tố điêu, ép cha con vợ chồng tố điêu nhau, nâng khống diện tích đất đai để nâng thành địa chủ; sử dụng bần cố nông không có học làm cốt cán… đã phá nát nền tảng đạo đức xã hội, gia đình và gây nên những xáo trộn trong xã hội.

Cuộc Cải cách đợt 5, đáng lẽ làm cho nhân dân phấn khởi thì đã gây bao nhiêu xót thương. Không khí ngột ngạt. Đúng là có những hiện tượng vô nhân đạo, phảng phất một cái gì độc tài. Biết bao những người oan uổng. Đau xót vô cùng là đồng chí có công lao trong kháng chiến vào sinh ra tử, ở hầm, ở hố, nay bị đem ra bắn. Có những người theo lệnh của Trung ương ký giấy cho bà con di cư, nay bị chúng đem ra xỉ vả, không có một lời khiếu nại, minh oan. Có những người đeo huy hiệu Điện Biên Phủ, cải cách ruộng đất, huân chương, đội trưởng đem lột để bỏ tù, đánh đập. Có những người [được] Bác cho áo, chúng cũng lột cho là làm giả và nghi cho là gián điệp. Nghệ An tự nhận là đất cách mạng công thần chủ nghĩa, mà sự thật là hẹp hòi, tả khuynh. Rất buồn là đưa lên những cốt cán 17, 18 tuổi không biết gì nhân tình thế thái, cũng không hề tham gia kháng chiến, nay là đội trưởng điều khiển bao nhiêu cán bộ đã tham gia kháng chiến, lăn lộn trong cải cách ruộng đất, và áp bức nông dân, ho ra lửa, thét ra khói. Ironie du sort [mỉa mailàm sao]. Còn gì là chế độ. Bần cố nông chủ nghĩa. Đâu là nhân đạo cách mạng?

Nhật ký ngày 9/7/1956

Kể chuyện một bà bác. Có rất nhiều uy tín trong làng, cưu mang hết cả mọi người. Hồi phát động quần chúng giảm tô, bà thách ai gọi bà là nó. Nhưng đến cải cách ruộng đất, bị đấu. Thằng cháu giằng cơm của bà, tát bà. Bà ta chết. Không có gì vô nhân đạo hơn.

Nhật ký ngày 25/8/1956

Đốt tay người bị tra. Nhục hình tàn khốc. Bắt anh đấu em, vợ đấu chồng, con đấu bố, bạn đấu bạn. Kích diện tích, sản lượng lên. Một thứ vô nhân đạo kinh khủng, tạo nên một thứ căm hờn giả tạo nguy hiểm.

Nhật ký ngày 25/8/1956

Tiếp đó việc sửa sai kiểu đánh trống bỏ dùi vẫn lại tiếp tục dùng những “cốt cán” vô học vô đạo đức làm cán bộ chính quyền và quản lý mà loại bỏ những nhà trí thức.

Cán bộ cải cách ruộng đất lập thành tích, [để] chóng lên Đoàn ủy, vì Đoàn ủy là ngang tỉnh ủy. Dựng cả nên những âm mưu để bắt người. [Giả] bắn trượt. Rồi bắt. Để tỏ ra tích cực công tác, phụ trách xã khó khăn, nhưng cuối cùng khám phá được hết, bắt được nhiều phản động, v.v... Ở Thái Bình, sau [khi có] chỉ thị sửa chữa sai lầm của Trung ương, Đoàn ủy chữa chỉ thị đi. Những người bị xử oan, bị quy oan, đáng lẽ phải xin lỗi và khôi phục, thì lại bắt họ xin lỗi nông dân và biết ơn Đảng khoan hồng, v.v...

Nhật ký 5/9/1956

Chữ: công an nằm bệnh viện. Bần cố nông lên. Tác hại rất nhiều, xử oan nhiều đồng chí. Mặt ngây thộn, chăm lo sắm quần áo, đồng hồ, bút máy, v.v...

Những câu chuyện chung quanh vấn đề sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Sửa chữa lại càng nát. Nay không sửa nữa, bước đầu tha tất cả những người bị bắt. Những người bị tội trên 60, dưới 16, đàn bà có con nhỏ, cũng được tạm tha.

Nhật ký 7/9/1956

Các tệ nạn tham ô, lãng phí do thiếu trình độ quản lý phát triển nhanh; cán bộ chính quyền thì không chịu lắng nghe tiếng nói của dân, ai góp ý mà trái ý cấp trên thì cho là phản động… từ đó làm nhân dân ngày càng bất mãn với Đảng, lãnh tụ và chính phủ. Uy tín của chính quyền, của cán bộ xuống thấp, lòng tin của nhân dân bị trao đảo.

Mậu dịch tham ô lãng phí. Sữa để với muối: hỏng hết. Bơ để mốc. Máy gửi đi thiếu các bộ phận. Péniciline: hỏng hàng loạt, có đến triệu viên. Cán bộ bị thiệt. Công lao các nước bạn giúp uổng phí. Làm hại nhân dân.

Nhật ký ngày 21/6/1956

Crise de confiance [khủng hoảng lòng tin]. Uy tín của Đảng, của Chính phủ, của Hồ chủ tịch giảm sút. Tình hình khó khăn, trong lúc cuộc đấu tranh thống nhất đang quyết liệt. Thấy buồn buồn, ta hoang mang.

Nhật ký ngày 5/8/1956

 

Trong giới văn nghệ sĩ thì nhiều người không tán thành đường lối văn nghệ của Đảng và cũng mất lòng tin với cán bộ lãnh đạo văn nghệ của Đảng nhất là với Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu… họ đã không lắng nghe tiếng nói đúng đắn của đông đảo văn nghệ sĩ mà ép ý của mình, của giới lãnh đạo lên anh em văn nghệ sĩ làm cho không khí trong giới thật ngột ngạt, nhiều văn nghệ sĩ muốn thành lập các báo chí, xuất bản tự do nên mâu thuẫn càng nẩy sinh. Bên cạnh đó trong nội bộ văn nghệ sĩ cũng phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt, trong chiến tranh trước khó khăn gian khổ và cái chết luôn rập rình thì họ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau còn ở thời bình những tính xấu của con người được dịp nẩy nở họ kèn cựa, tranh dành chức vụ quyền lợi…

Rùng rợn cảnh tuyên truyền một chiều. Một tờ báo Nhân dân phổ biến rộng rãi, không một tư tưởng khác có thể lọt vào đầu óc quần chúng. Không thể thế được. Phải có nhiều dư luận, nhiều chiều hướng, mới đỡ cái oi bức, ngột ngạt của cái xã hội này.

Nhật ký ngày 27/10/1956

Đ.Đ.H. bất mãn, xui nguyên giục bị, gây chia rẽ. Chèn mọi người để có địa vị, mà thực tế thì chưa nổi.

L.Q.K. thấy địa vị lung lay, hết sức tập hợp anh em Nam Bộ để lấy lòng, hòng trở lại địa vị cũ. Chị L.X. oán lãnh đạo không giúp đỡ để cho học nhạc, v.v... Quang đòi lãnh đạo Đội Văn công, v.v... Tất cả những intrigue [mưu toan] này dẫn đến đâu? Giải quyết được không? Tổ chức Mặt trận Văn Nghệ theo kiểu này liệu có thành công không? Hay là chỉ đi đến giết những người có khả năng sáng tác?

Nhật ký 2/11/1956

Trong khối XHCN thì nổi lên phong trào dân chủ ở Hung ga ri và mối quan hệ giữa các Đảng CS anh em cũng đã có mâu thuẫn. Trong bầu không khí ngột ngát đó nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã lên tiếng chính kiến của mình với Đảng với lãnh đạo VHNT nhưng tất cả ý kiến của ông đều không được quan tâm mà còn làm cho Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi khó chịu với ông, ngay cả TBT Trường Chinh cũng bắt đầu không ưa ông. Và ông đã nhiều lần muốn ra từ bỏ các chức vụ trong Đảng Đoàn VHNT để chỉ làm người viết văn đơn thuẩn.

Tình hình Ba Lan, Hung ga ri làm cho mọi người xao xuyến. Chính phủ mới ở Hung ga ri chỉ có 2 người cộng sản. Có tin họ xin viện trợ Anh. Quân đội Liên Xô giúp vào việc giữ gìn an ninh: impopulaire [thất nhân tâm]. Bọn phiến loạn (có thật không) chạy sang Áo. Tình hình rối ren: Trung Quốc đưa tin rất dè dặt. Trong khi ta đã có nhận định một cách vội vã.

Nhật ký ngày 30/10/1956

Trong Đảng đoàn, mối tình với Thi giảm. Thi thành kiến mình hữu khuynh. Nói đến anh em Nhân văn là cười, không nghe. Buồn cười cho Thi, dựa nhiều vào Tố Hữu và quyết tâm bảo vệ Trung ương một cách ngây thơ. Như nhận định cải cách ruộng đất là một thắng lợi to lớn và căn bản, mọi người phản đối, Thi vẫn bênh vực. Rút cục, Trung ương cũng phải sửa nhận định ấy. Người sáng suốt như Thi cũng hóa ra mụ mị.

Nhật ký ngày 28/10/1956

Chán nghe những lời kêu ca của một số văn nghệ [sĩ] đáng khinh. Rút lui vào công việc riêng. Và cũng chẳng muốn nhìn mấy đồng chí Tuyên huấn. Lại ầm ầm lên chuyện phản kích “Nhân văn”. Mở một CZ [chiến dịch] trong một tuần. Thấy chỉ toàn là thủ đoạn. Dốt, người ta nói thì không chịu được. Ai khác ý mình thì không bằng lòng. Cái độc đoán về tư tưởng thật là ngột ngạt. Rồi lại một lô hình thức: huy động các báo, huy động lực lượng quần chúng, v.v... Rõ cái manège [thủ đoạn]. Gần đây có chính sách raidissement [cứng rắn]. Lành lại bắt đầu xa anh em, lại mệnh lệnh, lại coi thường ý kiến mọi người. Rồi lại dìm những ý kiến của Đảng đoàn, rồi lại thay đổi ý kiến mà chính anh ta đã đưa ra. Cái danh từ vì Đảng, vì Dân đã phạm bao nhiêu tội lỗi!

Muốn cái T.Ư. này cải tổ. Muốn Lành không ở Tuyên huấn nữa. Và có tư tưởng rút lui Đảng đoàn. Chỉ vì sợ ảnh hưởng đến những người khác đang khủng hoảng với tổ chức! Tuân cũng có ý ấy.

Nhật ký ngày 7/12/1956

Gặp đồng chí T.C. Vẫn cái lối giải thích thẳng đuột. Nói về Nhân văn thì bơm to lên, nào là mỗi bài giả trên 10 vạn. Nào là họ thuê xe ô tô đi cổ động ở Nam Định, v.v… Khi mình nói không nên có thành kiến với Nguyễn Hữu Đang, thì thiếu bình tĩnh ngay. Rồi quay ra vặc: Sao anh chỉ trách Đảng mà không trách bọn họ?

Nhật ký ngày 13/12/1956

 

Nhưng trong bối cảnh đó một nhà văn chân chính biết yêu, biết ghét, biết phẫn nộ. Ông luôn lo cho cái lo của dân của đồng nghiệp. của đất nước và nhất là lo cho sự lãnh đạo và uy tín của Đảng nên ông không thể để tâm vào viết văn được. Ông luôn trăn trọc suy nghĩ cho vận mạng của đất nước của chế độ và uy tín của Đảng. Ông luôn tự nhắc mình phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Ông cùng rất nhiều văn nghệ sĩ đã đấu tranh với chính mình để không giao động trước những khó khăn của đất nước.

Cách mạng đáng lẽ phải làm cho đời đẹp, thì trái lại làm xấu, đáng lẽ phải làm phong phú cuộc đời thì lại làm cho con người công thức. Cần phải đấu tranh cho cách mạng làm cái nhiệm vụ giải phóng con người: đẹp ra, lịch sự, nẩy nở toàn diện, và cuộc đời phong phú. Đừng quan niệm một thứ đạo đức trói buộc con người. Cái đạo đức Nho chẳng ích lợi gì cho xã hội. Kinh khủng quá là luân lý nhạt nhẽo, khắc khổ, xám xịt.

Nhật ký ngày 24/7/1956

Đảng của ta ơi, người hi sinh xương máu cho nhân dân, cho Tổ quốc, người vô tư và độ lượng biết bao. Người chứa đựng trong mình biết bao nhiêu cái lớn, nhưng người cũng phải chịu đựng ở ngay trong mình biết bao nhiêu gánh nặng. Người vĩ đại vô cùng, mà người vẫn lắng nghe những lời chửi rủa láo xược của cả những kẻ không nên mở miệng nói càn. Nhưng người vẫn cứ lớn lên, mạnh mẽ, vinh quang. Ta yêu mến và phục Đảng của ta. Đừng vì ta mà làm cho Đảng nặng nề thêm, đừng vì ta mà làm cho Đảng khó khăn thêm. Những kẻ không làm gì mới nói láo. Những kẻ làm bao giờ cũng khiêm tốn. Đảng của ta như vậy đó. Mà ta cũng phải như vậy. Tự bồi dưỡng để mà nâng lên kịp với Đảng. Tiến lên.

Nhật ký ngày 22/6/1956

Ông cũng tự răn mình.

Mình cũng hèn hạ, muốn chạy dài cho yên thân. Không thể được. Chung thủy với Đảng, với đồng chí. Khi thuận lợi, lúc khó khăn, đem hết sức mình ra mà phấn đấu cho lợi ích Đảng.

Nhật ký ngày 14/9/1956

Trước hoàn cảnh như vậy ông chỉ mong được từ bỏ công tác lãnh đạo văn nghệ để chuyên tâm vào viết văn, viết sách dù ông biết rằng nếu từ bỏ cương vị lãnh đạo ông sẽ chỉ sống bằng nhuận bút viết văn, đời sống sẽ càng khó khăn hơn, nhưng đấy chính là mong ước lớn của ông. Ông cũng muốn trong các tác phẩm của mình sẽ phản ánh được tâm trạng, tâm nguyện của nhân dân trước thời đại mới, muốn nêu lên thực trạng xã hội, tố cáo những việc làm sai trái của cán bộ lãnh đạo, quản lý và trên hết là những khó khăn, những mong muốn của nhân dân trước Đảng, trước chính phủ đẻ mong sao dưới sự lãnh đạo anh minh của mình Đảng và chính phủ sẽ mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Ta muốn lánh xa cuộc đời, không muốn làm nhiệm vụ lãnh đạo, để chuyên chú vào công việc sáng tác. Đã thực là vì dân, vì nước chưa? Người yêu nước không thể thu mình vào vỏ ốc, mà phải tỏa ra, ảnh hưởng đến người khác. Yêu nước là đoàn kết được nhiều người, đưa họ vào cuộc chiến đấu vì Tổ quốc.

Nhật ký ngày 24/7/1956

Tình hình căng thẳng. Nhân dân nóng cháy. Phải có món ăn tinh thần, nói lên cái nguyện vọng, tiếng nói của nhân dân. Không phải vấn đề hừng hực chiến đấu, mà câu chuyện tâm tình, con người mới. Phải lấy lại cái thơ, cái đẹp, cái tự nhiên mà cán bộ đã làm mất. Phải làm cho cuộc đời có cái vui thú. Nghĩa là xây dựng điển hình một con người mới, không bị công thức, sống ra sống.

Nhật ký ngày 2/10/1956

Muốn sáng tác. Được mấy vở kịch. Và sẽ nêu những sai lầm, vạch ra cái sai của cán bộ, không thể biểu dương được nữa.

Nhật ký ngày 24/10/1956

Dự định sáng tác:

1/ Thiếu nhi: Anh hùng Phù Đổng

    Truyện Tết.

2/ Kịch: Sửa lại Khiêng thuyền.

    Soạn: Ngâu.

3/ Bút ký: Sống.

Những ý nghĩ về các tác phẩm:

- Đả phá quan niệm thuần túy vật chất vấn đề con người, dẫn đến những sai lầm như [nhận định] vấn đề công giáo căn bản là vấn đề ruộng đất: sau cải cách ruộng đất nhân dân vẫn đi Nam.

- Đồng bào đau khổ: ở miền Bắc thì sai lầm, miền Nam thì phát xít. Đồng bào là nạn nhân, chịu bao nhiêu đắng cay, tang tóc.

- Làng cải cách ruộng đất như một triều đình trung nịnh khó phân. Nịnh tố người trung, người trung bị oan ức, tan nát gia đình. Sau được phục hồi. Đả phá cán bộ và lối huấn luyện đơn thuần chính sách.

- Một làng qua các triều đại.

- Người trí thức trong kháng chiến và trong xây dựng.

Nhật ký ngày 28/10/1956

Ngòi bút: cần phải chiến đấu chống những tối tăm, chém giết, chết chóc. Để xây dựng tình yêu và hạnh phúc.

Nhật ký ngày 30/10/1956

 

Để viết bút ký này ông đã có bao trăn trở như thế trước thời cuộc và ông cũng đã lường trước sẽ bị đả kích.

Xúc tiến bài tùy bút: Một ngày chủ nhật. Nói những cái sai lầm, mà bút run run, rồi sẽ bị đả kích đến thế nào?

Nhật ký ngày 26/11/1956

Vâng, bút ký “Một ngày Chủ nhật” đã ra đời hơn 65 năm nhưng tất cả những vấn đề Nguyễn Huy Tưởng nêu ra vẫn còn tính thời sự đến hôm nay. Những tệ nạn tham ô lãng phí trầm trọng hơn, những ứng xử thiếu suy nghĩ của người làm văn hoá với văn hoá, di tích lịch sử dân tộc cũng chẳng cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Thậm trí họ còn muốm bỏ môn học lịch sử dân tộc mà chỉ dạy lịch sử Đảng. Vẫn còn đó tệ sùng bái lãnh tụ, tệ quan liêu và nhất là tệ nạn cán bộ lãnh đạo rất khó nghe lời nói phản biện của cấp dưới của nhân dân nên họ vẫn làm sai và vẫn suốt ngày sửa sai nhưng không nhận mình sai.

Trên đường phố từ thành thị đến nông thôn vẫn treo đầy các khẩu hiệu mà gần như không ai đọc gây mất mỹ quan đường phố và lãng phí của cải xã hội.

Có lẽ vẫn bị ám ảnh của cuộc cải cách ruộng đất mà tình người vẫn hời hợt, quan hệ trong gia đình ngày càng xuống cấp không còn kiểu gia đình truyền thống lễ giáo như ngày xưa mà nay rất thực dụng.

Báo chí và cơ quan tuyên huấn vẫn ra rả nói hay nói tốt nhưng thực tế không phải vậy. Báo Nhân Dân và các báo của đảng luôn thiếu người đọc cũng gây lãng phí rất lớn cho nhà nước.

Chiến tranh vẫn còn đó, vẫn ở Trung Đông và Tây Âu và giữa ta với người bạn 4 tốt luôn bằng mặt không bằng lòng, họ vẫn thỉnh thoảng thọc dao vào ta bắt ta luôn phải cảnh giác.

Trong “Một ngày Chủ nhật” Nguyễn Huy Tưởng cũng đã phải khẩn thiết “kêu gọi”:

Đau khổ nào cũng có cái mặt tốt. Sai lầm đã thức tỉnh tất cả chúng ta. Ánh sáng Đại hội hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô chiếu khắp. Một cuộc duyệt lại cách sống, cách nghĩ. Một cuộc duyệt lại nhiều chính sách từ trước tới nay được coi như kinh thánh. Trăm tiếng nói cất lên, không phải chỉ là một tiếng nói từ trên dội xuống. Cùng với cuộc đấu tranh chống bệnh sùng bái cá nhân ngày càng mạnh, cái sợ vu vơ dần dần bị đánh bạt, phong trào tự do dân chủ lên cao. Chúng ta dám nghĩ, chúng ta dám làm. Chúng ta dám thẳng thắn vạch ra những sai lầm, những tệ nạn. Đừng hoảng hốt, những ai chưa quen điệu nói mới của thời đại. Nhể cái nhọt không có nghĩa là giết một con người. Chế độ của chúng ta chỉ càng thêm lành mạnh.

Người dân chúng ta ai cũng mong muốn như vậy.

Vâng! Đã hơn 65 năm trôi qua, bài bút ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn thấy còn nguyên giá trị mang tính lịch sử - văn hoá và hơi thở của thời đại.

Để kết thúc bài viết của mình, mời độc giả đọc lại một đoạn lại một đoạn mà tôi cho rằng rất thi vị, rất nhân văn và giàu truyền thống văn hoá của dân tộc trong tác phẩm “Một ngày Chủ nhật” của nhà văn, nhà văn hoá Nguyễn Huy Tưởng.

Chúng ta hãy nâng niu từng sợi tóc, từng giọt máu, từng tình cảm nhỏ của con người. Hơn lúc nào hết, phải đề cao cái ý thức tôn trọng con người, tôn trọng cái địa vị chủ nhân của mỗi một người Việt Nam. Không để cho một cử chỉ thô bạo nào xâm phạm đến con người. Mỗi một con người là một lâu đài thiêng liêng mà chúng ta phải tới với một tấm lòng chân thành tôn kính.

Qua đoạn văn trên chúng ta vẫn thấy đâu đây hình bóng của ông, luôn nhắc nhở chúng ta phải sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với con người với đất nước Việt Nam ngàn lần yêu dấu.

Các Bài viết khác