NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHIỀU DÀI ẢO VỌNG (kỳ 9)

( 23-08-2020 - 12:25 AM ) - Lượt xem: 897

Mắt Đăng ánh lên vẻ tinh quái liếc nhìn Hoan rồi Phúc và mỉm cười, nụ cười gian xảo thường thấy. Đăng tự hỏi : cặp anh em tội lỗi này là thế nào đây ? Mắt anh hau háu nhìn Phúc làm chị ngượng quay mặt đi

Mới bước vào chỗ rẽ đầu đường, Hoan mơ hồ nghĩ Tiểu Mai và Vạn hiện đang ở trong nhà. Chính vậy, anh không ngạc nhiên khi vừa đi qua mấy đống sắt vụn đã thấy họ ùa ra đón. Anh sững người nhìn Vạn, chục năm không gặp Vạn khác xưa nhiều đĩnh đạc từng trải. Nhìn kẻ tình địch cũ bây giờ lại là ông anh, Vạn có chút bối rối ngại ngùng. Vạn chào :

– Chúng em chào anh. Anh đã về.

Không giống tính sôi nổi vốn có thường ngày những lời khách sáo bay đâu mất, Hoan đáp lại dè dặt.

– Các em đi chơi Yên Tử có vui không.

– Vui nhưng hơi mệt. Vạn đáp.

Họ bắt tay rồi ôm lấy nhau. Vạn tròn mập và bệ vệ. Cái bụng nhiều bia nhiều rượu, hơi to của Vạn cọ vào Hoan như một trái banh. Qua vai Vạn, Hoan nhìn Mai. Cô vẫn tươi tắn như xưa, vẫn nước da trắng hồng và đôi mắt đen mơ màng làm say đắm lòng người. Cô hơi đãy đà một chút. Mai nhìn anh bẽn lẽn, cô cúi mặt sau lưng chồng, mặt ửng hồng lí nhí chào Hoan.

Hết nhìn Vạn lại nhìn Mai, anh mừng cho Mai lấy được một người chồng tốt tính. Không dễ gì tìm được người chồng như Vạn. Tình cảm trìu mến dâng lên trong lòng Hoan. Họ đã trở thành em trong nhà. Không khí thân mật, xua đi nỗi băn khoăn riêng tư trong lòng mỗi người.

Hoan dắt tay Vạn vào nhà, theo sau là Luyến và Mai. Bộ bàn ghế đánh véc ni màu gụ xẫm được mang từ căn nhà lợp cói lên, theo yêu cầu của bà Liên. Vì bà lo cho cái bụng bự của Vạn ngồi chiếu khó chịu. Hoan chào mẹ. Bà Liên đang ngồi trên cái ghế tựa dài kiểu hội trường đặt sát tường :

– Hoan đã về đó con. Anh em đã nhận nhau rồi hả.

– Vâng.

Trong khi Hoan rót nước chè tươi ra chén, Vạn với giọng tự nhiên, chân thành.

– May anh về kịp, sáng sớm mai chúng em đã phải bay vào Sài Gòn để nhận và đóng hàng đưa lên tàu biển đi Anh Quốc. Phải vài tháng nữa chúng em trở lại Việt Nam.

– Sao đi sớm thế ? Người ta đang mở cửa, đang đổi mới, ở lại thăm thử xem có đầu tư được vào ngành gì cho quê hương không.

Vạn nhìn Hoan, bằng đôi mắt màu tro, giọng thấp xuống tư lự, tâm sự.

– Các vấn đề cần làm, em và Mai đã có dịp bàn với chị. Chị còn do dự chờ ý kiến anh mới dám quyết. Ở Sài Gòn người nước ngoài vào đầu tư các ngành sản xuất kinh doanh khá nhiều, nhưng ở đây mới chỉ có vài người Đài Loan mở xưởng làm giày vải. Xưởng nhỏ còn lèo tèo vài mẫu hàng, sản phẩm ít chưa có thương hiệu và hơn nữa số lượng chưa đáng kể, không đủ để cạnh tranh với các nước, khó chiếm lĩnh được thị trường Quốc tế.

– Thì cứ về đây làm ăn cho gần quê gần quán. Dù sao đất nước mình vẫn hơn.

– Chúng em cũng muốn góp phần với quê hương, nhưng còn đắn đo thăm dò. Giống bao nhiêu người khác vẫn do dự bởi thân phận vượt biên phản quốc, dù được ban tặng mỹ hiệu Việt Kiều yêu nước nhưng không tự nhiên như hồi chưa vượt biên, chưa thoải mái còn phải dè chừng dò dẫm nghe ngóng. Kiều là khách mà anh. Tốt nhất ban đầu chỉ làm đầu mối tiêu thụ hàng cho anh chị. Khi nào chúng em được phép, chúng em sẽ góp vốn đầu tư lớn với anh chị.

– Chú cảm thấy mặt hàng đang buôn sẽ có vấn đề hay sao mà nghĩ đến đầu tư sản xuất.

– Trung Quốc vào WTO, hàng của họ sẽ ồ ạt, tràn thẳng vào các nước. Buôn theo kiểu trung gian như bọn em sẽ chững lại. Phải hàng của mình sản xuất : giá rẻ, kiểu dáng đẹp, chất lượng tốt mới cạnh tranh được.

– Thế là chú không buôn nữa à ?

- Không hẳn thế cái gì có lời thì mình làm. Sản xuất mặt hàng quần áo và giày dép còn nhiều cơ hội làm ăn lâu dài. Trung cận đông và châu phi hai thị trường lớn, luôn là nơi hút hàng và là mối quan tâm của chúng em.

- Anh đang băn khoăn, mình cán bộ lại đảng viên, tham gia kinh doanh sản xuất có phải là bóc lột không ?

- Anh Hoan cũng như nhiều người khác còn lấn cấn vậy. Chả nhẽ cứ giữ gìn không làm, để các thành phần khác họ làm à ? Chị ấy đứng tên chủ cơ sở An Thái. Việc gì anh phải ngại. Hơn nữa, mặt hàng kinh doanh sản xuất đâu có trùng ngành điện của anh. Vấn đề này hình như chị ấy đã hỏi Luật sư ngành kinh tế rồi. Anh cứ an tâm ủng hộ chị ấy.

- Ủng hộ là tất nhiên. Nhưng cũng phải suy nghĩ cho cẩn thận kẻo sau này hối hận không kịp.

Từ nãy đến giờ Luyến chỉ ngồi nghe, chị vội xen vào :

- Không làm thì mất thời cơ. Có ông trên huyện khuyên nên mở xí nghiệp nhanh để san bớt gánh nặng nhân công thừa cho huyện. Nhờ vậy việc thuê mảnh đầm phía bên cạnh làm đất kinh doanh chỉ vài ngày nữa duyệt xong. Huyện đã họp bàn và nhất trí rồi !

- Anh vẫn lo. Sản xuất phải đủ thợ tay nghề vững, chứ chỉ có thợ đào đất ở đội thủy lợi thì coi chừng bán xí nghiệp không đủ trả lương cho họ.

- Thợ thì không thiếu, xây xong xí nghiệp là có thợ liên. Các bác về hưu sẽ cố vấn việc thợ thuyền cho em. Rèn họ từ lao động phổ thông lên thợ. Thu nhận thợ dư dôi ở các xí nghiệp.

Hoan cười nói :

- Ép thợ ra nghề non, kém chất lượng.

Vạn cười góp ý :

- Thời trước người Pháp đâu có mang hết thợ từ tây sang. Phải đào tạo từ nông dân bên ta mới có thợ. Thoáng lên ông anh ơi ! Ban đầu có khó khăn, nhưng rồi đâu sẽ vào đó.

Hoan nghĩ “Mình có bảo thủ không ?”. Cái khối thợ khổng lồ về hưu ở các xí nghiệp chiêu mộ cũng dễ, nhờ các cụ chỉ bảo cho lớp trẻ có văn hóa, chắc chắn nghề nghiệp giỏi nhanh.

- Tùy các em định liệu. Mở ra phải sao cho chắc thắng. Anh cười.

Bà Liên vấn khăn nhung đen kiểu vành rế, xúng xính trong bộ áo dài màu gụ, từ trong nhà đi ra !

– Các con ơi, hãy chụp chung với mẹ một “bô” ảnh để làm kỷ niệm.

Luyến đưa mắt cho chồng rồi một tay kéo Mai một tay xách cái ghế ra sân. Bà Liên ngồi ghế, các con đứng bên. Họ chụp kiểu hai người, bốn người nhưng đến kiểu năm người phải gọi Tùng đang nắn sắt tại góc sân.

- Anh Tùng ! Anh Tùng lại bấm hộ mấy kiểu ảnh.

Tùng rửa tay, đi tới bắt tay Vạn rồi cầm lấy máy.

- Thợ ảnh bất đắc dĩ trưa nay có rượu uống rồi.

- Cái thằng ông mãnh này. Rượu mày uống lúc nào bác cũng có. Bà Liên vỗ vào vai Tùng.

Hoan nắm tay Tùng, giới thiệu.

- Chú Vạn hãy bấm cho tôi và ông Tùng vài kiểu trước. Bạn thời thơ ấu của tôi, còn sót lại chỉ có ông Tùng thôi.

Ba người đàn ông thay nhau bấm máy. Cái máy ảnh kỹ thuật số loại mới nhất có lưu hình chụp xem được ngay, bà Liên thích lắm ! Vạn nói :

- Chốc về bên phố em sẽ rửa ngay. Tối là có ảnh.

Bà Liên cười. Chưa bao giờ bà vui như hôm nay, chỉ tiếc chưa có cháu chắt bế cho đủ tứ đại đồng đường. Bà nói :

- Các con đẻ mau cho mẹ có cháu bế. Chụp ảnh thế này mẹ thấy nó vẫn thiêu thiếu thế nào ấy.

Bà nói lên điều mong muốn. Hai cô con dâu nhìn nhau rồi nhìn hai ông chồng cùng đỏ mặt.

Lợi nhuận luôn nảy nở những mâu thuẫn, và đôi khi làm trái ngược cả ý nghĩ tốt đẹp ban đầu. Nên khi chỉ còn lại có hai người Hoan cẩn thận hỏi Vạn.

- Cái số tiền vợ chồng em cho anh chị vay mở rộng cơ sở sẽ phải thanh toán thế nào ? Lãi xuất và thời hạn ra sao ?

- Thế chị không trình bày cho anh biết à ?

- Mới chỉ nói chú cô cho vay tiền. Anh chưa kịp hỏi kỹ.

- Anh xem trong tờ khế ước vay có ghi rõ ràng. Đại để thế này, em cho anh chị vay không lấy lãi, tới năm thứ sáu mới phải hoàn lại mỗi năm mười ngàn đô và tới năm thứ mười là hết. Tiền được trả vào tháng 6 hàng năm. Điều kiện như vậy anh an tâm chưa ? Các tờ giấy khế ước đã công chứng, mỗi bên giữ một bản và tiền em đã chuyển vào tài khoản của An Thái. Hóa đơn của Ngân hàng Nông nghiệp huyện em đã sao có đóng dấu công chứng đưa chị một bản. Chị đã thử rút từ ngân hàng ra hai ngàn đô lấy tiền nay mai san lấp khu đất mới thuê.

- Tôi xin cảm ơn thịnh tình cô chú đã giúp chúng tôi.

- Có gì đâu, cũng là em gặp may, đánh mấy chuyến hàng Trung Quốc sang Châu Phi thắng lợi chia lại lộc cho anh chị vay. Cái lúc vỡ thuyền trên biển em chẳng còn tin thần thánh nữa. Em hiểu ra mình phải tự cứu mình. Bây giờ em cũng khuyên anh chị tự lo lấy mình, mở mọi hướng đi, tìm cách sinh lợi. Thắng thua đều phải làm thử, buôn thử. Ban đầu buôn một ít tìm đường, tìm cách sau đó thuận lợi mới dốc vốn làm một keo. Đặc biệt phải nhanh, vì lợi nhuận tăng giảm từng giờ theo xu thế chính trị của nước mình bán hàng.

- Vợ chồng tôi đâu thể đi nước này nước nọ tìm thị trường. Buôn mặt hàng nào ở trong nước cũng chỉ tồn tại ít lâu, sản xuất nghe ra còn lâu dài.

- Đúng, anh chị lo sản xuất thứ gì đó, không lãi nhiều, nhưng nếu lỗ vẫn còn vốn gốc nhà xưởng, xoay sang sản xuất mặt hàng khác.

Họ rì rầm nói chuyện với nhau cho tới lúc bà Liên vào dục Vạn chở bà về Kênh Giang thăm mộ bố mẹ Vạn. Hai chị em con chú con bác lấy chồng hai nơi hồi chiến tranh bận rộn chia lìa ly tán, đến khi bà Liên đi thăm được thì các em đã thành người thiên cổ.

Luyến vội vã đạp xe ra chợ mua thức ăn để làm cơm.

Trong căn nhà tôn chỉ còn lại có hai người. Hoan nhìn vào khuôn mặt nhỏ nhắn xinh đẹp của Mai, anh thở dài nói :

- Lần nhận được thư Mai, biết em còn sống, nhớ tới viết thư trả lời nhưng anh sợ chồng em ghen, mãi gần tết anh mới gửi cho em cái thiệp chúc tết …

- Vâng nhận được thiếp, biết được địa chỉ chúng em mừng lắm.

- Những tình cảm em viết trong thư làm anh thương em chỉ muốn khóc.

- Em cũng vậy, thương anh nhiều đêm em khóc thầm một mình. Nhưng chúng ta đã có nơi có chốn riêng, chỉ nên giữ lại tình bạn bè trân trọng quý mến nhau là đủ. Không nên lấn cấn chuyện cũ mà tổn thương quan hệ trong sạch. Vì vậy em đã không ngượng ngập khi đưa anh Vạn về thăm mẹ, thăm Luyến. Mẹ nhận ra anh Vạn là cháu của bà và nhận chúng em là con nuôi. Trong tâm khảm em lúc nào cũng coi anh là người anh đáng kính.

- Biết Mai luôn nghĩ về anh là đủ rồi. Thấy các em vui vẻ hạnh phúc anh mừng cho các em. Mừng lắm…

Hoan nhìn thẳng vào mặt cô Natasa của riêng anh và cười. Mai cũng nhìn anh cười rất tươi, có chút bẽn lẽn thời con gái, cái vẽ bẽn lẽn đã ghi vào tâm khảm anh nhiều năm. Anh vội vàng quay đi sợ mình không kìm được lòng ôm chầm lấy nàng như ngày nào.

Hoan nghỉ phép được một tuần, thì Luyến cho dựng bảng hiệu công ty. Trước lúc đào lỗ cột treo bảng hiệu, Luyến đã nhờ ông thầy Vũ Tá chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo mới cho làm, mong việc làm ăn thuận lợi suôn sẻ. Tấm bảng treo lên vẫn còn phủ vải hồng, chờ đến hôm sau đủ quan khách tới dự mới mở. Thời gian nghỉ phép Hoan đã chạy xin lắp cho Luyến cái công tơ ba pha của Điện lực huyện và một điện thoại bàn không dây của Bưu Điện Thành phố.

Các máy tiện, khoan và lò rèn sửa xong đã bắt đầu hoạt động. Mỗi thợ già kém hai thanh niên vừa học vừa làm, các sản phẩm ban đầu như : đục bằng, đục nhọn, ngáo nạy hòm chẻ đầu đã được đem đi chào hàng. Hai cái lò rèn lúc nào cũng đỏ lửa. Họ bắt đầu chọn sắt sản xuất thử xà sứ của điện lực.

Chín giờ sáng. Được đã mang bản hợp đồng thuê gia công một ngàn bộ xà bắt sứ đầu cột và một tờ séc hai chục triệu sang như đã hứa.

- Bản hợp đồng của cô giống bản hợp đồng tôi đã ký với Công ty xây lắp máy, không có sửa tí gì ngoài tên đơn vị gia công và số lượng hàng. Cô xem lại rồi ký tên đóng dấu vào, gửi trả tôi ba bản. Viết luôn phiếu thu cái séc này tôi mang về nộp cho tài vụ. Được cười – Mở hàng phải cho suôn sẻ đúng luật.

Luyến bỏ tờ séc vào ngăn kéo, đọc lại bản hợp đồng rồi đưa Hoan xem, cô viết phiếu thu và ký tên vào bản hợp đồng cô nói với Được :

- Em xin cảm ơn anh.

Lần đầu tiên Luyến được dùng con dấu, xác định trách nhiệm quyền hành tay cô có chút run run, hồi hộp và cảm động tim cô đập rộn ràng. Hoan lúc này chỉ đóng vài giám sát không nói năng gì. Anh nghĩ công việc này phải có kế toán làm cho chắc và đúng luật. Buột miệng anh hỏi.

- Cái ông kế toán của cô đâu ?

- Ông ấy bắt đầu chính thức làm việc từ chiều nay, em chỉ làm tạm việc thu này, một lần thôi. Chiều ông ấy áp tải két sắt Hàn Việt sang, em sẽ giao cho ông ấy lo.

Được hỏi Hoan.

-  Thế ông chưa biết cô ấy có bằng trung cấp kế toán à ?

Hoan ngỡ ngàng nhìn vợ.

- Không biết ! Chỉ nghe nói Luyến theo học lớp buổi tối thôi, cô ấy không nói cụ thể.

Được cười :

- Ông là người hạnh phúc thật.

Câu nói vừa có ý khen vừa có ý trách móc.

Hoan đỏ mặt nhìn vợ. Luyến giải thích :

- Anh Hoan em bận trăm công nghìn việc em chỉ nói những việc chính còn việc học thêm nói làm gì hả anh !

Vào sổ đánh số hợp đồng xong Luyến đưa cho Được ba bản :

- Em xin gửi anh hợp đồng và phiếu thu. Em sản xuất thử mười bộ xà sứ mời anh xuống xem thử. Đạt yêu cầu của các anh từ mai em sẽ làm đại trà và đảm bảo đúng thời hạn hợp đồng.

Xưởng cơ khí đặt tạm trong cái lán dài khung tre, lợp vải bạt xác rắn. Hai lò rèn đang hừng hục phun lửa, bốn thanh niên chia hai cặp đang rèn đục dưới sự hướng dẫn của bác thợ già gày gò đeo mục kỉnh. Bác thợ già gật đầu chào mấy người rồi lại tiếp tục công việc với lớp thợ trẻ.

- Nhanh tay lên các trai, sắt nung sáng trắng sắp thăng hoa rồi. Muốn vê tròn phải dánh vuông trước.

Tiếng búa cái, búa con chí chát gõ trên thanh sắt đỏ. Gần đấy, một máy cưa đang soàn soạt cắt những thanh coóc-nhe 100 theo vạch phấn của bác Mậu thợ cả chuyên ngành điện, một thanh niên đang ấn mũi khoan vào điểm lõm đánh dấu lỗ khoan, phoi sắt đn lên từng mẫu nhỏ sắc lẹm. Từng giọt nước giỏ theo mũi khoan xuống ướt xũng cả bàn máy.

Được nói đùa tru vợ chồng Hoan:

- Nhà xưởng của Công ty An Thái của ơng b chỉ có thể này thôi sao ?

- Dã chiến tạm thời ít hôm, để đảm bảo tiến độ hợp đồng. Chúng em đang dựng cái nhà khung Tiệp 250 mt vuông ở chỗ kia, chỉ tuần sau là có thể chuyển máy lên đó.

Được dùng thước đo độ rãn cách các lỗ một thanh xà, ngắm nghía một lúc nói :

- Như thế này tạm được, nhưng sắt phải nắn thật thẳng, mài phẳng chỗ có vết hàn. Cắt sắt bằng cưa mạch ngọt phẳng hơn máy đột dập. Xong vài trăm bộ cô cho quét sơn chống rỉ ngay. Tôi sẽ nhận hàng dần, được bao nhiêu tôi cho đưa đi lắp luôn.

Ông Bằng đeo “xắc cốt” nhớn nhác tìm Luyến, nhìn thấy cô như vớ được vàng:

- Này ! Có quyết định và hợp đồng cho cháu thuê đất huyện ký rồi. Huyện ủy nhiệm, xã giao đất cho cháu.

Nhìn vẻ tất bật của ông Bằng, Hoan nói:

- Cháu cứ quăng con dao đến đâu chú cắm cọc giao đất tới đó là được chứ gì.

- Vàng đấy ! Không tùy tiện được đâu!

Bãi hoang, sờ đến là vàng.

- Vợ chồng em mời chú Bằng và anh Được lên hội trường uống nước. Luyến nói xong cô đi ra phía đường đón khách. Hoan dẫn hai người lên hội trường.

Hội trường đặt trong nhà lợp cói.

Ngoài sông nước dâng lênh láng đang ồ ạt cháy vào các bãi sú nậu. Giờ nước lên, tấm vải đỏ phủ bảng hiệu được gỡ xuống, lộ ra hàng chữ xanh dương đậm trên nền sơn xanh da trời :

“Công ty trách nhiệm hữu hạn An Thái  Xây dựng, sửa chữa cơ khí và thương mại”.

Một tràng pháo nổ ròn rã thay lời mời, khách đi xuyên qua làn khói pháo vào hội trường. Vợ chồng Luyến ra đón tận cửa, đỡ những lẵng hoa chúc mừng và xếp chỗ mời khách ngồi vào hai dãy bàn kê song song. Bàn và ghế tựa dài hội trường, tất cả đều mượn của Ủy Ban xã.

Mỗi bàn có một lọ nhỏ cắm hoa bướm màu tím. Những lẵng hoa của khách được đặt lên phía trước, dưới tấm băng rôn: “Công ty An Thái chúc mừng quý khách”. Nước chè tươi, kẹo bánh được đưa ra mời khách. Vừa uống nước họ vừa trò chuyện rôm rả chuyện làm ăn chuyện trong nước … chuyện ngoài nước. Khách mời phần đông từ các phòng ban của huyện, từ các xã lân cận, từ các xưởng tàu thuyền quanh vùng. Họ đến chúc mừng nhưng cũng dò xem An Thái làm ăn thế nào. Luyến ân cần cảm ơn từng người, tỏ lời mong các vị khách động viên giúp đỡ đến mua hàng và đặt gia công sửa chữa cơ khí. Lăng xăng góc này góc kia Hoan chụp hình khách bằng cái máy Vạn để lại.

Mặt Luyến tươi roi rói, đôi mắt sáng lấp lánh như đang cười.

Cuối buổi đàm đạo chúc tụng. Luyến đưa ra biếu mỗi khách một cặp đựng tài liệu vải giả da in tên công ty trang trí hai chữ A.T cách điệu thành con chim bay trên mặt nước.

Hết thời gian nghỉ phép Hoan dùng dằng không muốn về Hà Nội. Anh lo cho Luyến hơi nhiều việc nhiều trách nhiệm. Anh bâng khuâng ngắm dòng sông cửa Cấm tấp nập tàu, thuyền, ước ao có một ngày trở về bên mẹ và giúp vợ.

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                  Hoan vào phòng giữa lúc Đăng chăm  chú gọt bút chì.

- Biếu ông cân tôm khô bóc nõn để nấu canh. Món này nấu với bí đao ăn rất tuyệt.

- Mới lên à ? Sao không ở thêm vài ngày nữa ?

- Muốn, nhưng sợ xếp quở.  Công việc có gì mới không.

- Vẫn bận rộn như mọi khi. Vắng ông hơi buồn. Cái nhà của ông tôi cho dọn dẹp xong, ông Quì đòi giao chìa khóa cho ông ấy sửa lại. Ông ấy nói : cả dãy người ta thay cửa xếp, còn một mình mình cửa 2 cánh trông nó chẳng giống ai. Bây giờ nhà ông có cửa xếp lắp cánh gió. Các phòng đã bỏ màu vội vàng tập thể, quét mới màu xanh lá nhạt, khang trang hẳn lên. Tôi lo ông không chịu. Quì nói : sửa tốt lên sao lại không chịu, khi đã vào ở, không phải lúc nào cũng dở ra sửa chữa được.

Đăng mở ngăn kéo lấy chùm chìa khóa đưa Hoan rồi nói thêm.

- Tôi đã xem ngày, chủ nhật này là ngày Hoàng đạo, âm dương ngũ hành hợp với tuổi ông. Từ 7g đến 11g ông có thể vào nhà. Nhớ mang cái bếp vào trước, nổi lửa lên đun ấm nước cho có khí dương. Phải làm lễ thắp hương cúng thần linh thổ địa ! Tôi biết ông không tin, nhưng có thờ có thiêng, ông nên làm.

- Được rồi ! Tôi lên trình diện xếp cái đã.

- Này! Đăng nói nhỏ. Vụ ta đang có chuyện, ông Vĩnh phải tránh mặt, chắc gì gặp được. Ông Thiện ghen tát vợ, bà Đào bị chồng đánh đang bù lu bù loa ở dưới câu lạc bộ, đòi gặp ông Vĩnh để kiện cáo. Cứ kiểu này, cái xuất thứ trưởng tương lai của ông Thiện coi như tong.

- Dù sao tôi cũng phải lên gặp xếp.

Đứng trước cửa phòng ông Vĩnh, biết mình có gõ cửa chưa chắc ông Vĩnh đã lên tiếng, Hoan vừa gõ cửa vừa gọi to :

- Em Hoan đây ! Xin anh cho gặp có việc.

Mở cửa, ông Vĩnh đã hỏi :

- Bà Đào còn dưới nhà không ?

- Thưa anh, vẫn ngồi khóc thút thít ở câu lạc bộ, đòi gặp anh.

- Bây giờ tôi mà xuống bà ấy sẽ làm to chuyện. Cậu xuống giải quyết hộ tôi, đừng để loang chuyện to ra, khéo léo khuyên bà ấy về.

Hoan cười nói đùa :

- Một nhiệm vụ nặng nề, không có trong tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng thôi để em đỡ cho anh. Các vị cán bộ công đoàn đâu mà để anh khổ thế này.

- Chuyện vừa xảy ra, chắc còn đang hội ý.

Biết một mình khó xong việc, Hoan rủ thêm Đăng và Hương Lan đi cùng. Trước mặt anh một người đàn bà lùn tịt, mắt to, mày rậm, đang lau vội nước mắt. Mới bốn hai tuổi mà xuân sắc chị Đào đã tàn phai, người gày guộc như một bà lão. Hoan tự hỏi không biết hồi trẻ, chị Đào duyên dáng thế nào mà ông Thiện lại mê.

- Chào chị. Chị đến đón anh Thiện về à ?

- Thăm với đón cái gì ! Tôi đang bực mình vì ông Thiện đây. Các chú đưa tôi đi gặp ông Vĩnh. Tôi cần gặp ông Vĩnh, xem ông Vĩnh giải quyết như thế nào việc ông Thiện muốn bỏ tôi.

Giọng Đào đanh sắc như đang chất vấn ông Vĩnh cấp trên của chồng. Vì bảo vệ hạnh phúc, người đàn bà vốn cam chịu và nhẫn nhục đã bừng tỉnh. Những giọt nước mắt tràn ra khóe mắt, chị vội thấm đi trong cái khăn tay đã xỉn màu.

- Bỏ chị ? Lạ quá, làm sao có chuyện ấy được !

Giọng Hương Lan thảng thốt không tin.

- Hai tháng nay ngày nào ông ấy về cũng gây chuyện. Hết chê canh nhạt; canh mặn, lại chê đến nhà bẩn hôi hám, còn quát tôi “mày phải lòng phải bề thằng nào không săn sóc nhà cửa”. Cái gạt tàn thuốc bị con mèo làm vỡ ông Thiện cũng kêu đánh vỡ đồ cổ của ông. Giặt áo kêu còn mùi xà phòng. Bới chuyện, dựng chuyện chẳng biết đằng nào mà lần. Hồi còn trẻ chẳng dám chê bai câu nào, bây giờ luôn dở quẻ.

Hồi trẻ không chê bai bởi vì chị là con gái ông giám đốc một nhà máy Cơ điện lớn, ông Thiện đang cần một chỗ dựa. Chị muốn gì Thiện cũng phải nghe phải chiều. Giờ Thiện đã có chỗ đứng rồi, nhẹ nhàng khéo léo dần bị quên đi. Chị Đào nấc lên nghẹn ngào :

- Tôi có nhẹ nhàng đến mấy cũng bị kêu là cãi lại, lăng loàn ông Thiện còn làm đơn ly hôn yêu cầu tôi ký. Bằng này tuổi, ký giấy bỏ chồng thì ra cái thể thống gì. Con cái nó sẽ nghĩa thế nào về bố mẹ chúng. Tôi không ký giấy, ông ta gây sự chửi bới gọi tôi con này con kia. Cắn răng mà chịu, lúc bực lên cũng muốn bỏ quách cho xong.

- Những chuyện lớn như vậy sao chị không nhờ bên hội phụ nữ giúp đỡ.

- Cô tính xem xấu chàng hổ ai, đành phải nhẫn nhịn. Quá lắm hôm nay tôi phải lên đây.

Ở dưới xưởng sửa chữa đo lường thành phố có cô Xuân năm nay mới ba hai tuổi người nhỏ nhắn, da trắng trông dễ ưa, chồng chết đã gần chục năm. Thiên quen Xuân từ hồi mới về nước. Mỗi lần có dịp Thiên hay buông lời bỡn cợt, Xuân chỉ cười, đưa mắt nhìn anh tình tứ, không trả lời. Từ ngày chồng Xuân chết Thiên hay tìm xuống chỗ ở của Xuân chơi lúc cho gói quà lúc tặng bàn là bếp điện, an ủi Xuân. Khi hai tuần, khi một tháng Thiện lại đến một lần, cho quà. Xuân vẫn dịu dàng và lịch sự tiếp anh như một người bạn, gần đây tuần nào Thiện cũng hai lần xuống tận khu tập thể của Xuân chơi. Hai người trò chuyện nhấm nhẳng dóng một, không ra yêu cũng không ra chối từ. Một lần Thiện đánh bạo cầm cổ tay Xuân, cô không gỡ ra mắt ánh lên lúng liếng nhẹ nhàng bằng giọng ngọt ngào nói!

- Anh phải giải quyết cái salan bẹp đi rồi hãy đến đây tán em. Vợ anh sờ sờ ra đấy. Em yêu thế nào được anh.

Thiện bẹo má Xuân cô chỉ cười. Anh ôm Xuân hôn, cô đẩy nhẹ ra. Xuân bảo :

- Người ta trông thấy thì chết anh ơi.

Câu nói bâng quơ. Thiện tưởng là lời hứa hẹn. Được hôn vào cặp môi ướt át, cặp má mịn màng. Thiện như say, lúc nào cũng nghĩ đến Xuân mơ màng cuộc sống hạnh phúc của hai người. Anh quyết tâm bỏ Đào. So sánh Xuân và Đào, Thiện phát hiện ra vợ mình có nhiều điểm đáng trách, cũng lạ sao hồi trẻ anh lại yêu ? Một lần, Thiện vừa chê thịt kho mặn cá nấu tanh để gây sự liền bị Đào nói huỵch toẹt ra :

- Anh chê tôi để các con ở khu tập thể. Văn chương nó nấu cho. Tôi nói để anh biết, tôi còn giữ thể diện cho anh ở cơ quan, chứ không gái này đã rạch mặt nó từ lâu rồi.

Thiện chột dạ, mặt tái đi yên lặng lên gác nằm. Muốn riêng tây với Xuân phải tháo được sự ràng buộc của Đào. Còn dấm dúi chắc Xuân không chịu. Muốn tháo cái ách trên cổ sợ Đào đến cơ quan phát ngôn bừa bãi làm mất uy tín của mình. Thiện nghĩ ra cách “ghen trước” là thượng sách. Tạo ra cớ nổi xung nổi đóa, ghép cho Đào tội không đứng đắn không chung thủy.

Hai năm trước, Thiện xây nhà, vợ chồng con cái ông hàng xóm sang làm giúp cả tháng trời, lúc một người lúc cả ba người. Ngày nào cũng có người sang làm giúp. Nay đến lượt ông hàng xóm xây nhà, Đào phải xếp việc nhà sang khuân gạch rửa cát giúp trả lại.

Thợ đổ bê tông chạy rầm rập trên sàn, cười đùa và quát tháo dục dã nhau. Thiện mặc quần đùi áo may ô từ trong nhà chạy ra túm tóc Đào tát túi bụi.

Ông chủ nhà phải giữ tay Thiện.

- Tôi xin cậu, có gì làm cậu nóng giận thế ?

- Tôi ngồi ở nhà mà nó còn liếc trai đưa tình.

Cả nhóm thợ đình việc để xem. Anh con trai ông chủ nhà nói với Thiện.

- Cậu chỉ xem, mợ liếc mắt đưa tình với thằng nào để cháu cho nó một trận.

- Thì thằng Đoàn ấy.

Mỉm cười anh con trai ông chủ nhà gọi to :

- Đoàn ! Đoàn đâu, xuống bảo đây.

Một thằng bé mặt non choẹt khoảng mười sáu, mười bảy tuổi từ trên sàn chạy xuống mặt tái mét khoanh tay lí nhí:

- Dạ cháu đây !

- Tao phải cho mày vài cái tát. Ai bảo mày dám liếc mắt với mợ Đào.

- Dạ cháu đâu dám, thằng bé giọng run rẩy như muốn khóc.

Cả đám thợ cười ồ lên. Xấu hổ, mặt Thiện xám ngắt không nói được gì, Thiện chạy vào nhà mặc quần áo dắt xe đi.

Chẳng ai liếc mắt hay trêu ghẹo Đào, Thiện ngồi trong nhà chỉ nghe chốc chốc lại có người gọi “Đoàn ơi đem ít thép buộc”. “Đoàn ơi mang thêm đoạn sắt mười lên đây”, “Đoàn ơi cho mượn cái xà beng”. Lúc nào cũng thấy gọi Đoàn, chứ Thiện chưa tường mặt Đoàn là ai, bị hỏi Thiện chỉ nhớ có tên Đoàn, làm mọi người được mẻ cười.

Đút nút, bên lỗ mũi bị cháy máu cam, Đào rửa tay thay quần áo nhảy xích lô lên văn phòng bộ. Mấy bảo vệ từng quen gặp cảnh các bà lên tìm chồng gây rối, nên đã khéo léo mời Đào.

- Chị vào câu lạc bộ uống nước, để chúng em đi tìm người.

Nghe Đào kể cả bọn cười rũ ra. Con người chín chắn như Thiện lâm vào tình ái viển vông cũng bị sai lầm bể mánh. Kể xong chuyện ghen nhầm của Thiện, buồn bực nhưng Đào cũng bật cười. Chị cười chua chát.

Hoan bảo khẽ Hương Lan :

- Chuẩn bị xe ! Ông Vĩnh đi vắng, điều xe của  ông Vĩnh mời chị Đào về nghỉ – anh quay sang Đào – Nghe chị trình bày chúng em sẽ báo cáo lại Công đoàn, bắt ông Thiện kiểm điểm và xin lỗi chị. Có lý nào vợ con lù lù đây mà đòi đi ngang về tắt. Em sẽ báo cáo lại ông Vĩnh cho người xác minh sự việc, kiểm điểm luôn cả cái cô Xuân nào đó để giữ gìn hạnh phúc cho chị.

Nghe Hoan nói lòng Đào cũng nguôi ngoai phần nào, mặt chị dịu đi có chút xấu hổ.

Đăng chỉ tay ra sân nhã nhặn nói :

- Xe đã đến rồi ! Chúng em xin mời chị về nghỉ. Chờ anh Vĩnh về, chị lên gặp sau.

Lợi thò cổ ra cửa xe vờ cao giọng.

- Đón xếp Vĩnh ở đâu đây ?

- Không phải đón ông Vĩnh ! Ông Vĩnh đi với bộ trưởng rồi. Cậu chở chị Đào về nhà.

Đăng mở cửa xe, Hương Lan xốc nách Đào. Lúc này Đào đã nguôi giận lặng lẽ lên xe vẫy tay chào mấy người. Hương Lan nghĩ : “Đào mà gặp được nhóm Lady mách nước đánh ghen thì ông Thiện khốn đốn to”.

Nhìn qua cửa sổ xuống sân, thấy Đào đã đi, ông Vĩnh thở phào nhẹ nhõm. Ông vừa thoát hiểm bà chằng. Cái ông Thiện này, tình tang không kín đáo, chẳng ra thể thống gì. Ông lựa lời trong đầu để góp ý cho Thiện. Tình trạng này kéo dài dễ mất điểm thi đua cho cả đơn vị.

Đã đến ngày Hoan dọn về nhà mới. Anh lôi ra ba cái thùng giấy lớn, đựng sách vở; chăn màn và dụng cụ quấn dây điện. Hoan kéo cả ba thùng ra ngoài hành lang. Anh chốt cửa vào nhà cẩn thận rồi lên gặp Hương Lan để từ biệt. Như đứng sẵn ở cửa Hương Lan kéo tuột anh vào phòng thì thầm.

- Tưởng vội đi quên cả từ biệt em.

- Đâu có quên ! Tôi cứ ngỡ Hương Lan xuống xếp sắp đồ đạc giúp, đợi mãi chả thấy, sao mắt đỏ hoe, khóc à ?

- Anh dọn đi em thấy buồn quá, muốn khóc.

Nhìn vẻ mặt bệch bạc của Chị, anh an ủi bằng giọng dịu dàng.

- Số phận hai ta như thế, tôi cũng buồn. Nghĩ cho cùng chúng ta xa nhau chỉ là hình thức, lúc nhớ nhau tôi có thể về đây hoặc Hương Lan ra căn hộ bờ sông với tôi.

Ngồi xuống cái ghế tựa ngắm lại bức phiên bản tranh mùa thu vàng anh treo ngày mới tới đây. Cái màu vàng tàn lụi đầy ly biệt trong tranh, anh thở dài. Anh lấy bọc giấy báo ra để bên bàn và nói với Hương Lan.

- Cô Luyến gửi biếu Hương Lan ít cà phê bột pha liền và cân Sôcôla.

Câu anh nói xác nhận Hương Lan chỉ là tình nhân chị òa lên khóc nức nở Anh vuốt tóc an ủi chị :

- Nín đi chúng ta vẫn có nhau cơ mà. Ở xa hay gần cũng thế thôi, ở gần càng nguy hiểm.

Giọng Hương uể oải :

- Sao vợ chồng anh có nhiều Sôcôla thế ?

- Vẫn nguồn từ nước Anh. Có điều lần này người biếu tự tay cầm về không gửi qua bưu điện.

Họ im lặng một lúc, Hoan nhìn thẳng vào mặt Hương Lan nói bằng giọng rầu rầu :

- Tôi thật có lỗi với Hương Lan để Hương Lan sầu tủi chịu thiệt thòi. Mong Hương Lan bỏ qua cho.

Hương Lan vụt ngẩng đầu lên, đôi môi run run, nhìn vào khuôn mặt nghiêm nghị của Hoan và vội vàng nói.

- Anh chả có lỗi gì, tất cả đều tại em. Anh muốn trần tình này nọ để an ủi vỗ về em thì không nên. Em không chạy trốn tình cảm và đã biểu lộ si mê anh. Vì vậy em không đòi hỏi anh phải đền đáp. Em chỉ muốn nói với anh là em yêu anh một cách đau đơn và dữ dội, bây giờ có cái thai trong bụng là niềm an ủi cho em vui rồi và rất vui là khác. Nhưng anh yên tâm, em đã có cách giải quyết ổn thỏa và không làm phiền anh. Quả thật khi biết có chửa, chưa tìm được cách giải quyết êm thấm, em hoàn toàn suy sụp vì sự rồ dại bồng bột này. Chỉ tiếc chúng ta có quá nhiều cách biệt và trắc trở không thể nên vợ nên chồng, đành phải vụng trộm trong câm lặng. Em tự nguyền rủa những suy nghĩ nông nổi đã đòi hỏi tình yêu của anh làm anh buồn. Muốn quên anh nhưng khó quá. Khi biết mình mang thai em nghĩ đến tìm cái chết thì Quýnh đến. Hắn nghiến ngấu cướp thân xác em. Lúc đầu em nổi giận sau thấy Quýnh yêu em thật lòng. Em quyết định tìm đến Quýnh để quên lãng anh. Quýnh không sắc sảo trong đời thường nhưng tốt bụng đáng tin cậy và thực thà. Không kiểu cách, không bon chen. Vì vậy có vẻ ngờ nghệch. Cái ngờ nghệch đáng yêu. Anh hãy vui cho em, mong đừng cười mối tình khập khễnh tội nghiệp này.

Tiếng còi xe của Lợi gọi dưới đường. Hoan vội đứng lên.

- Đâu dám, đâu dám ! Mừng cho Hương Lan và anh Quýnh. Thôi tôi đi nhé.

Hoan cười vui vẻ rất to.

- Ơ thế anh không mang tivi đi à ?

- Anh mua về lắp cho em xem đỡ buồn. Em giữ lấy nó làm kỷ niệm của chúng ta.

- Thế không hôn từ biệt em à ?

Cái hôn vớt vát như sẽ không còn gặp lại nhau Họ ôm ghì lấy nhau xiết chặt nhau Hương Lan thì thầm!

- Tối mai em ra với anh nhé.

- Ra ngay tối nay đi !.

Hai tay bưng má chị, Hoan nhìn vào mắt chị và hôn một lần nữa.

Khi anh phải quay đi, chị hiểu là dù có cố mấy cũng không thể có những ngày đằm thắm ngọt ngào xưa nữa. Nỗi buồn tê tái trong lòng chị.

Một mình ngồi lại, hai tay dang ra vắt trên tựa ghế bành Hương Lan khẽ thở dài tiếc người đàn ông thuê nhà cương nghị và tế nhị.

Xuống cầu thang, anh có cảm giác quãng ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi đầy lo âu và phấp phỏng bên Hương Lan chỉ là một giấc mơ, anh đã chiêm bao thấy ban đầu con đường đầy hoa rực rỡ nhưng dần dần nhỏ lại và dẫn tới cái ngõ cụt hai bên tường màu xám ! Hương Lan vào đời sống của anh, phá vỡ nếp sống bình lặng giản dị ít lo toan của anh. Hậu quả là cái thai trong bụng bảo anh không lo sao được.

Lợi đến, mang theo hai thợ quét vôi để trang sửa lại căn phòng nhếch nhác anh đã ở. Lợi ghé tai hỏi nhỏ Hoan :

- Cái tivi của anh đâu rồi ?

- Bán rồi. Đã mua thì phải bán chứ !

Thực ra anh đã tặng cho Hương Lan từ hôm đem về nó được lắp trên phòng chị.

Hoan nói với mấy thợ quét vôi.

- Trước khi quét vôi nhà, nhờ các ông tháo giúp cái giường hộp và khiêng cái bàn thợ nguội này đem luôn ra xe, cùng mấy thùng đồ tôi đặt ở hành lang … Trít trát xong các ông quét vôi và sau đó dọn dẹp vệ sinh căn hộ xong hãy rút quân. Ở đây không có ai dọn giúp bà chủ … nhớ nhé giúp tôi nhé.

- Vâng.

Hai thợ gật đầu nhận lời. Hoan ngồi lên xe máy có buộc cái va ly giả da màu đen. Anh nhìn ngôi nhà lần cuối. Hương Lan đứng sau cánh cửa sổ tầng hai đang nhìn theo anh. Cuộc chia tay không đau lòng đứt ruột như lúc chia tay với Mai nhưng anh thấy buồn tê tái.

Diện tích nhỏ người thuê nhà ít mua sắm đồ đạc. Họ muốn gọn gàng để lỡ có phải chuyển chỗ dọn đi đỡ cồng kềnh. Hoan cũng vậy, thế mà vẫn lủng củng nhiều thứ đồ chất đầy xe Commangca.

Trước khi xe ô tô chở đồ đạc ra đến nơi ở mới, Hoan dừng xe máy mua một con dao một cái thớt dăm cái đĩa một chục bát sứ Giang Tây ở cửa hiệu dụng cụ gia đình và dừng lại cửa hàng đồ cúng nhận con gà đĩa xôi đã đặt. Bà bán hàng hỏi.

- Chú dọn đến nhà mới hả ? – Hoan gật đầu, thế thì chú phải mua thêm mấy thứ này.

Bà xếp thêm vào cái làn nhựa cho Hoan một chai rượu trắng một thẻ hương bài và một gói hoa tươi gói trong lá chuối, một xấp giấy vàng tiền.

Hoan đến nơi đã thấy Đăng dựng xe máy chờ trước nhà, phía sau yên xe Đăng buộc một bình ga sơn màu hồng. Bên cạnh Đăng là Phúc tay ôm bó hoa, tay cầm bình xứ men xanh. Đăng nói với Hoan :

- Tôi cứ sợ ông lỉnh kĩnh đồ đạc không ra đúng giờ. Thôi, ông mở cửa vào nhà đi. Ông thắp hương lên … Cô Phúc lấy hộ chén nước cúng. Cậu Lợi mang bình ga ngoài xe tôi vào lắp bếp đun ấm nước.

Đăng nhanh nhẹn rải tờ báo lên bàn thợ nguội của Hoan và sắp lễ. Đăng bày xôi gà hoa cúng vào đĩa, thắp nến cắm vào đáy hai cái đĩa nhỏ lật úp, hương cắm vào đĩa xôi. Khói thơm quện quanh hai ngọn nến lung linh chập chờn như múa.

Hoan không tin vào thần thánh nên không biết cúng. Anh chắp hai tay đứng nghiêm trước bàn thờ mắt mở to nhìn làn khói trầm bay. Trong khi đó Đăng lâm nhâm khấn thần linh thổ địa táo quân thần tài cầu xin sức khỏe và tài lộc cho gia chủ Lê  Văn Hoan. Khấn xong Đăng vê tờ báo cho dài ra đốt khua khắp nhà.

- Các cụ nhà ta thánh thật, trước khi vào nhà đốt lửa xua tà ma khí độc lẩn khuất các xó tạo sinhkhí cho căn nhà.

Đăng giải thích hành động đốt lửa khua như thầy cúng của mình. Mọi người tản ra cửa chờ hương cháy hết. Mùi hương thơm ngọt ngào căn nhà ấm cúng hẳn lên, rộn rã sắc thái đình đám vui vẻ.

Xe ba gác máy chở tới bàn ghế và giá sách theo đơn đặt hàng của Hoan. Bàn chữ nhật ghế tựa toàn gỗ xoan đào đánh vecni màu hồng tươi. Hoan và Lợi kê giường, đặt giá sách áp tường phòng trong. Cô Phúc lấy giẻ phủi bụi trên những quyển sách dày để Đăng xếp sách lên giá. Bỗng Đăng cười hóe lên, dơ quyển “Tra cứu kỹ thuật điện” hỏi Hoan :

- Phó “tấn” sỹ Thiện mà dám cho ông mượn sách à ? Không sợ lộ hết vốn kiến thức ít ỏi mà hắn có hay sao ?

- Ông Thiện giao mình một việc. Mình không muốn làm nói thác kém tiếng Nga không dịch được tài liệu, ông ta cho mình mượn quyển này.

- Ông giữ lại là giữ hết vốn kiến thức của hắn rồi ! Sách “tủ”, hẳn nể lắm mới cho mượn. Học đại học, và hai năm tu nghiệp phó tiến sỹ mà không nói được tiếng Nga, ông hiểu kiến thức hắn cỡ nào.

Đăng nói tới đây Hoan mới rõ vì sao Đăng coi thường trình độ của Thiện.

– Mới hôm qua đây thôi hắn bị mấy con bé sửa chữa đo lường làm cho bẽ mặt. Không biết lão báo thù mấy cô bé vô tư hay đùa thế nào đây.

Đăng đứng lên nghiêng người vãy tay che miệng ra điệu bộ õng ẹo, bắt chước tiếng con gái giọng nhẹt ra.

- Anh Thiện ơi ! Chị Xuân em không lấy anh đâu. Anh yêu vợ quá, ghen cả với thằng trẻ con còn tâm trí đâu mà yêu chị Xuân em…

Một tay chống nạnh, một tay vãy vãy Đăng bắt chước giọng chanh chua the thé của con gái :

- Nói cho mà biết nhé anh khọm. Chị Xuân đã có người yêu là thiếu tá đồng đội của chồng chị. Đừng có phá đám, không xong với bọn này đâu !

Lão ta tối xầm mặt, bỏ đi luôn. Lũ con gái cười theo như chợ vỡ ghẹo thêm.

- “Người hùng ơi, quay lại đây tỏ tình, với chị Xuân này ? Có “em” bảo vệ chàng rồi !”.

Mọi người đều cười, Đăng đẩy gọng kính lên lấy lại vẻ đạo mạo bình thường.

– Ông chỉ được cái ác ý. Hoan nói : Chuyện tình yêu thần thánh còn mắc tội phải đày ải xuống trần gian, trách gì ông Thiện.

Mắt Đăng ánh lên vẻ tinh quái liếc nhìn Hoan rồi Phúc và mỉm cười, nụ cười gian xảo thường thấy. Đăng tự hỏi : cặp anh em tội lỗi này là thế nào đây ? Mắt anh hau háu nhìn Phúc làm chị ngượng quay mặt đi. Hoan nói :

- Nhập trạch thế này đơn giản quá, cô Phúc ra đầu phố đong yến gạo ngon và ít thức ăn, tiện mấy anh em ở đây ta làm bữa cơm vui với nhau.

Phúc cầm tiền ra chợ nhỏ đầu phố mua ít rổ rá, chai nước mắm chai dầu ăn, cân muối, rau cải và thịt. Cô không quên mua một gói tăm mấy quả chanh mấy quả ớt, gói bột hạt tiêu.

Hương cháy tàn, Đăng bắt Hoan lễ tạ và phải tự tay hóa vàng. Dưới bếp cô Phúc xào xong rau, rán xong thịt. Một bữa cơm đơn giản được dọn lên.

- Các anh uống rượu dần đi chờ cơm chín là vừa.

Cửa sổ mở ra, phía ngoài một bãi rác trông thật khó chịu. Lợi nói với Hoan.

- Phải giải quyết cái bãi rác này thôi.

Lấn chiếm là thuộc tính của tư hữu. Nông thôn người ta lấn bờ mở ruộng, lấn ao thành đất ở. Thành phố người ta lấn hè lấn ngõ, thậm chí lấn cả phần không gian làm chỗ trồng cây cảnh.

- Ông rào ngay mảnh đất đầu hồi, không để cho ai chiếm. Họ chiếm mình sẽ bị bí, mất thông thoáng. Đăng phụ họa thêm.

Cười ngượng nghịu Hoan hỏi các bạn:

- Làm thế có được không. Người ta nói thì phiền phức lắm đấy!

- Cái ông này ! Chậm là hỏng việc ngay. Đất hoang vô chủ. Ai nhanh tay, thì chiếm được. Mấy hôm nữa đông dân, có tổ dân phố tức là có chính quyền, sẽ khó khăn hơn. Tôi mà ở đây không đợi để đến ngày mai đâu !

Anh nghĩ, mình ở cũng đủ rộng lấn chiếm làm gì. Đứng ngoài giải quyết việc người, Hoan có vẻ tỉnh, nhiều ý kiến sáng suốt vào việc mình do cái tính hiền lành anh có vẻ do dự và ngô nghê. Hoan không nói gì.

Không để anh yên, Đăng quyết định :

- Tôi thấy thế này. Ăn cơm xong ông và Lợi đánh xe ra bờ sông mua luôn sáu bẩy cọc xi măng người ta đổ sẵn về đây, rào nó lại để hoạch định địa giới đã. Làm cái gì bên trong sau hãy hay. Họ nhảy vào, chỉ trồng vài cọng rau lang rau muống vào đây là ông gặp khó khăn rồi.

Sau khi Lợi đánh xe đi, ngẫm nghĩ một lúc Đăng nói với Phúc :

- Cô ra bờ đê hoặc bãi Phúc xá hỏi mua lấy một gánh dây khoai lang về đây ta trồng ngay. Đi ngay đi … tôi đào sẵn mấy cái lỗ cọc.

Nửa giờ sau dây khoai lang và cọc xi măng cùng về một lúc. Họ hì hục chôn cọc căng dây thép rào và trồng ngay dây khoai vào cái bãi rác ấy. Mãi tới nhá nhém tối cuộc lấn chiếm mới xong. Phúc xin về trước Đăng đứng lên dắt xe đạp cho cô. Anh định xin đưa Phúc về nhưng cái xe đạp của Phúc chả lẽ bỏ lại.

Phúc đi được một lúc thì : Hương Lan đến. Chị dựng xe máy trước cửa, ngó nghiêng nhìn vào trong gian nhà đèn sáng choang lố nhố người, sợ nhầm còn đang lưỡng lự.

- Mời chị vào đây !

Nghe tiếng Đăng gọi, chị không muốn gặp Đăng, định quay ra nhưng nghĩ nếu cứ thập thò không đàng hoàng dễ sinh chuyện.

- Ông chủ nhà đi đâu để khách ngồi ngả ngớn thế này ? Chị sởi lởi hỏi mọi người.

- Vừa lao động xong đang ngồi nghỉ. Lợi đáp. Anh Hoan ở trong nhà. Mời chị vào thăm nhà.

Nhìn đống vỏ lon bia, vứt bừa bãi dưới nền nhà, chị lắc đầu :

- Mới có một buổi đã bừa bộn thế này. Mấy ông ở lâu chắc bẩn thỉu không ai dám vào nữa.

Chị cúi xuống nhặt những vỏ lon bia bỏ vào thùng giấy, thấy vậy Lợi cũng sà xuống nhặt giúp. Đăng cứ chân chân ra nhìn Hương Lan. Chị mặc áo sơ mi màu tím hoa cà kiểu vai xếp nếp gấp bồng lên lộ vai cổ và hai cánh tay trần trắng hồng. Đăng nghĩ chị ấy không già một chút nào.

- Mời chị Hương Lan ngồi, tôi pha tách cà phê Tây Nguyên anh Quân mới cho để chị thưởng thức.

Hoan từ trong nhà ra mời khách.

- Xin cảm ơn. Tôi đang vội, vào đây cốt nhờ Hoan viết giúp Hương Lan ít thiệp cưới. Chữ Hoan đẹp, viết hộ một trăm thiệp nhé.

Hoan im lặng, viết thiếp hộ người tình đi lấy chồng. Cay đắng và buồn cười làm sao.

- Thôi tôi đi đây, bận lắm ! Gần ngày cưới rồi. Các vị cũng đang chuẩn bị đi đâu đó mà. Hương Lan dúi vào tay Hoan bọc thiệp gói trong giấy báo nói tiếp – Danh sách đã ghi sẵn trong đó rồi ! Chiều mai hay ngày kia tôi sẽ xin lại.

Không cần biết Hoan có đồng ý hay không nhân lúc đưa gói thiệp. Chị ngoáy nhẹ ngón trỏ vào lòng bàn tay anh; mặt chị đỏ lên vội dắt xe đi. Lòng chị buồn nhè nhẹ. Hoan mới ra nhà riêng muốn gặp nhau đã bị cái nhóm ma quỉ lắm chuyện cản trở.

Sau này gặp được nhau chắc khó khăn ! Hương Lan tất ta tất tưởi quay đi. Không ghen nhưng Hoan thấy dội lên trong lòng nỗi cay đắng khó chịu. Ai đời lại viết thiệp giúp người yêu lấy chồng có lẽ chỉ có anh là một.

Hương Lan có chửa là sự thật. Hôm chị ốm đi khám phụ sản người ta đã xác định rồi. Tưởng chị ốm thật anh phải gọi điện cho Quýnh trước khi em đi Hải Phòng công tác. Hôm ấy bị Quýnh hôn vào ngực Hương Lan không chống đối, Quýnh hôn cuồng loạn lên người chị và đè thốc chị xuống, chiếm đoạt chị luôn. Sau vũ khúc của con trâu mộng. Quýnh nằm vật ra ngủ. Hương Lan khóc một mình, dù thế nào chị cũng không phải với Hoan. Chị muốn giữ trọn tình yêu dành cho Hoan. Chị nghĩ đến viết đơn xin nghỉ việc lĩnh một cục, chị về để đẻ con, tự buôn bán lấy để sống, không làm phiềm đến Hoan và cơ quan. Thiếu gì gái già không chồng xin bơm tinh trùng ở bệnh viện phụ sản. Chị cũng sẽ giải thích như thế, nhưng bây giờ chị không còn chung thủy với anh rồi. Tỉnh dậy thấy Hương Lan khóc, Quýnh dỗ dành:

- Còn ai không biết anh yêu em từ mười năm nay, bây giờ chuyện thế này ta tổ chức cưới sớm.

– Anh nói anh yêu em nhưng chưa báo cáo cơ quan đoàn thể anh đã vội ngấu nghiền vò nát thể xác em. Nếu lỡ xảy ra chuyện, anh mà phụ bạc em sẽ cột cổ anh lại.

Quýnh sợ hãi, điều gì cũng nhận cũng hứa.

Ngay ngày hôm sau hai người đi đăng ký kết hôn. Họ còn nhờ ông thầy ở Hàng Bạc xem ngày, xem tuổi để tổ chức đám cưới. Với trai bốn mươi hai, gái băm tám thì cưới ngày nào cũng là ngày tốt, dù không tốt thì ông thầy vẫn phải nói là tốt. Họ đã cỗi tuổi vun nào cho họ lấy nhau là thầy đã làm phước để đời rồi.

 

 

 

 

 

 

Tại ngôi nhà mới, sau bữa cơm một mình tự nấu bằng bếp ga của Lợi biếu. Sử dụng phương tiện nhanh, sạch nhưng xa xỉ tốn kém, anh thấy mình có vẻ chơi sang. Hà Nội tuy có nhiều người dùng bếp ga nấu ăn rồi nhưng chưa phổ biến rộng rãi. Anh ngắm bộ bếp ga, rồi cười một mình Luyến mà có một bộ bếp này chắc cô ấy thích lắm. Nghĩ tới Luyến anh lại nhớ Hương Lan. Có lý nào hai con người nhiều đau khổ yêu nhau lại là tội lỗi ? Anh cho rằng tình yêu của anh và Hương Lan mới thật sự là tình yêu. Họ không vụ lợi, không tính toán.

Hoan rút quyển Núi đồi và thảo nguyên của Ai-Ma-Tốp từ giá sách xuống định đọc thì Quì đến. Mặt Quì phờ phạc dáng điệu mệt mỏi. Không còn cái vẻ phởn phơ tếu táo trước.

- Vào đây. Tôi đang uống trà một mình, hơi buồn, may ông đến. Ông đi biệt đâu mấy tuần nay ?

Quì thở dài :

- Đưa chuyến xi măng cuối cùng đi Nam.

- Sao lại là chuyến cuối cùng ?

- Xí nghiệp vận tải của Công ty xi măng ký bao thầu với hãng tàu biển, họ tự chở xi măng để điều tiết giá giữa hai miền. Các chủ hàng chuyển chỉ tiêu được cấp : nhờ họ vận tải hoặc đăng ký mua luôn xi măng của họ. Dù ai có tín nhiệm nhờ mình thì mình cũng không thuê được tàu biển chuyên chở – Quì ngao ngán – Chấm dứt một thời náo nhiệt giá cả chênh lệch hai miền.

Quì thở dài luyến tiếc. Thế là chấm dứt những ngày thấm cái nóng hừng hực phương Nam, lúc nào anh cũng say trôi trong sự vui vẻ náo nhiệt mời chào co kéo của khách hàng, buôn bán mà như Vua, tìm đâu được nữa !

Rót nước cho Quì uống, Hoan nhìn thẳng vào, mặt bạn an ủi.

- Ông đã dự đoán trước có chuyện này sao còn than thở. Vả lại, ông cũng kiếm được kha khá rồi còn gì!

- Mỗi chuyến hàng tiền thu về như vớ được, mà vớ một cách hợp pháp, sao không tiếc không buồn.

- Việc làm ăn nào cũng chỉ có một thời, đâu nó mãi mãi bền lâu cho ông. Nhà Nước không quản lý thì bạn buôn họ cũng nhảy vào cạnh tranh với ông. Cứ vui vẻ mà sống ta lại bày ra cách làm ăn khác.

Ở nước ngoài người ta làm giàu nhờ lách luật, Quì cũng vậy, do phân phối và điều tiết yếu kém mà Quì lách được luật. Bây giờ bị xiết chặt nên Quì chán. Anh đang tìm một hướng đi mới để làm ăn.

Béo bở nhất hiện nay vẫn là ngành xây dựng cơ bản, ngành cầu đường, kinh doanh dược và mắt kính. Kinh doanh trong sản xuất xây dựng là chắc thắng tuy không nhiều lợi nhuận nhưng không bấp bênh như kinh doanh hàng hoá, tự nó lụn bại hoặc phải biến tướng thay đổi hình thức.

Nhà Nước mở cửa xuất nhập khẩu kêu gọi đầu tư, miễn thuế nông nghiệp, dỡ bỏ các trạm chặn chốt cho hàng hóa các miền được lưu thông, hạn chế buôn trung gian kiếm chênh lệch. Cuộc đổi mới kinh tế như cơn lốc cuốn phăng những trì trệ cố hữu cản trở sự phát triển của đất nước. Các nhà máy nhiệt điện; thủy điện đua nhau phát điện lên lưới quốc gia, giao thông được mở rộng nâng cấp nhiều tuyến đường, các cảng biển cảng sông phát triển rầm rộ chưa từng có. Nhà Nước đã bình ổn được giá cả sắt, thép, xi măng, phân bón và nhiều mặt hàng làm cho bộ mặt đất nước thay đổi. Những cảnh ôm một bọc, vác một bao hàng chạy trốn thuế vụ hải quan đã chấm dứt. Bây giờ người ta buôn bằng ô tô; bằng tàu thủy, hàng hoá tính theo tấn; chục tấn; trăm tấn … Ngành nào  bộ nào người ta cũng bàn đến xuất khẩu nhập khẩu. Các từ thanh toán quốc tế như qua ta, post, ship, không xa lạ trong ngôn ngữ những nhà sản xuất kinh doanh. Lượng hàng hoá lớn, lên các con buôn thành nhà kinh doanh, thành thương gia, nhà doanh nghiệp và chủ các công ty lớn nhỏ.

Từ lâu Quì đã nhăm nhe bóng gió nhờ Hoan giới thiệu và giúp đỡ để Quì thầu một vài công trình ở trong bộ. Quì nhăn nhó than vãn một lúc rồi nói với Hoan :

- Bộ ông có nhiều công trình gọi thầu. Tôi … tôi cũng muốn tham gia. Ông xem có giúp được tôi để tôi mua hồ sơ dự thầu.

Hoan nhướng đôi mắt lên nhìn Quì xem anh thật hay đùa. Nét mặt Quì nghiêm trang chờ nghe câu trả lời.

- Ông đã tham gia dự thầu bao giờ chưa ? Phía sau lưng ông có những ai làm vốn mà muốn tham gia thầu ở bộ tôi ? Muốn tôi làm tay trong ông cũng phải biết đấu thầu như thế nào chứ !

- Một mình tôi là đủ, cần gì phải có ai.

Hoan kinh ngạc nhìn bạn, cha này có uống rượu không mà liều lĩnh vậy ? Hoan không lạ gì năng lực của Quì. Có lẽ Quì chưa hiểu gì về đấu thầu, đem đầu óc kinh tế cấp huyện để thầu công trình Nhà Nước. Anh nhỏ nhẹ nói với bạn :

- Các gói thầu hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ, một mình ông xoay xở thế nào được ? Ông phải có một đội ngũ kỹ thuật mạnh mới làm được. Thầu cấp Nhà Nước phải là các tập đoàn tài chính trong nước và ngoài nước có sức mạnh về kinh tế, về kỹ thuật và nhân lực. Trong họ có hàng trăm kỹ sư đủ các ngành, hàng ngàn công nhân có tay nghề cao. Ông có mua hồ sơ dự thầu cũng chỉ làm cái việc tốn kém vô ích. Ông tham gia gói thầu nhỏ, tập hợp lực lượng đã. Hiện nay nhiều việc nhất vẫn là nơi tách tỉnh, tách huyện. Họ phải xây nhà làm việc, nhà ở cho cán bộ công nhân. Đâu có cơ quan hành chính, đấy sẽ tập trung nhiều nhà dân tha hồ ông xây.

Quì đỏ mặt nói dỗi :

- Ông không muốn giúp để tôi đi tìm người khác. Đem ra so năng lực với tài chính để dọa chỉ làm người ta thối chí.

- Lại dở thói hấp tỷ độ rồi. Ông có nghề xây dựng và lắp máy nhưng bóc tách một bản vẽ để lên giá thành vật tư và nhân công thì ông còn phải rút kinh nghiệm nhiều, lơ mơ lỗ chỏng gọng ngay. Hãy làm một vài công trình nhỏ xem lỗ lãi thế nào rồi nhận công trình lớn cũng chưa vội. Hoan nghĩ phải cho tay này va vài thực tế thôi.

 – Tôi giới thiệu với ông một công trình nhỏ của xếp tôi, ông làm thử rồi ta tính.

- Bao giờ thì gặp họ ?

- Ngay bây giờ tôi với ông đến nhà xếp. Ông ta đang tìm người để xây nhà.

Phía ngoài đường đèn, cao áp sáng trắng như ban ngày. Núp dưới tán lá rậm rạp đen xẫm, trong bóng tối hàng cây sấu cổ thụ dọc đường số 220 là dãy nhà liên kế xây kiểu biệt thự. Khu phố được cấp cho cán bộ lớn của nhiều bộ. Mỗi nhà đều có một mảnh sân riêng đủ rộng trồng cây cảnh và để xe con, có tường ngăn cách hai bên. Khu phố tĩnh lặng, con đường không có buôn bán nên vắng người. Phố dành cho cán bộ lớn ở, hai đầu đường lảng vảng bóng mấy chiến sỹ cảnh vệ mặc quần áo xanh rêu đi tuần canh chừng, Họ chăm chú nhìn Hoan và Quì cảnh giác khi hai người lạ mặt dừng lại ở phía ngoài đường. Cảnh vệ biết mặt tất cả mọi người sống trong khu phố này.

Hoan bấm chuông gọi cổng. Chuông chỉ kêu hai tiếng binh boong nho nhỏ rồi im. Con chó Nhật lông xù bị xích trên thềm sủa ăng ẳng mấy tiếng, đuôi ngoáy tít  mừng người quen. Lần nào đến Hoan cũng cho nó bánh bích-qui nên nó cuống quít rít lên ử ử.

Đèn hiên bật sáng, bà Vĩnh ra mở cổng.

- Chào chị, anh có nhà không ?

- Hai chú vào đi ! Ông ấy đang chờ các chú.

Xe máy vừa đẩy vào sân, hai cánh cổng được khóa ngay lại. Sau mấy câu giới thiệu của Hoan ông Vĩnh hỏi :

- Các cậu uống trà trảm mã của Trung Quốc nhé. Có người đi Trung Quốc vừa về cho một hộp. Chẳng biết Trảm Mã trà có ngon bằng chè Hồng Đào Việt Nam không, chứ hộp gói nó làm rất đẹp và bắt mắt.

Quì nhìn quanh căn phòng không toát lên vẻ quyền quí kênh kiệu như anh thường thấy. Một bộ salông gỗ đánh vécni màu cánh gián một cái tủ ly đựng cốc chén, một giá sách gọn ghẽ. Không đồ đồng đồ cổ, không tranh vẽ, không tượng nghệ thuật. Tất cả giản dị và sạch sẽ như các gia đình trung lưu. Trang trí duy nhất trong phòng là chậu tiểu trúc trên cái đôn sứ mộc mạc của miền Nam.

Quì vội đỡ cái ấm trên tay ông Vĩnh :

- Ấy, anh để em làm cho.

Hoan với ý định biếu ông Vĩnh mấy cân tôm khô và can nước mắm, nhưng anh hiểu không bao giờ ông nhận quà trực tiếp của cấp dưới. Giống như nhiều vị khác, ông Vĩnh luôn giữ bàn tay mình lúc nào cũng sạch, không nhận quà cáp người trong cơ quan biếu.

Ông Vĩnh đứng lên mở tủ ly phía sau, lấy ra một tập bản vẽ :

- Đây là bản vẽ khu đất thổ cư hai sào ta trên Cầu Giấy, đất thừa kế của bà mẹ vợ di chúc cho vợ chồng tôi. Đây là giấy phép xây nhà do Quận cấp và bản vẽ xây dựng được gửi từ trong Nam ra. Các cậu làm cho mình tổng dự toán về vật liệu và nhân công. Nhớ tách làm hai phần để mình có đủ tiền thì làm cả, không đủ tiền làm một nửa.

Quì tỏ vẻ ngần ngại :

- Lại phải phân tách vật tư và nhân công hả anh?

Ông Vĩnh nhìn Quì lo lắng, Quì có phải ở ngành xây dựng ra hay không ? Ông hỏi :

- Thế không bóc tách bản vẽ thì cậu lấy đâu ra khối lượng mà tính tiền.

Ông Vĩnh tự hỏi giao việc cho Quì có ổn không, một chút do dự trong lòng.

Thấy ông Vĩnh xếp gọn tập bản vẽ lại Hoan vội nói.

- Quì chưa biết lập dự toán đâu anh ! Em sẽ hướng dẫn cho Quì làm. Trước đây Quì làm xây dựng thật, nhưng dự toán nhân công vật tư đều do phòng Kế hoạch đưa xuống cứ chiếu bản vẽ mà làm, không biết lỗ lãi gì cả – Hoan quay sang nói với Quì – Lên dự toán là ông phải tính cụ thể ông đào bao nhiêu mét khối đất, xây bao nhiêu mét vuông tường hết bao nhiêu xi măng, bao nhiêu viên gạch. Công trình này cần độ bền khoảng mười năm năm ông sẽ chọn loại vật liệu gì cho phù hợp. Vật liệu tốt quá lãng phí, xấu quá lại phải sửa chữa giữa thời gian sử dụng  … Tôi quên chưa giới thiệu với ông, xếp Vĩnh là anh của cậu Quân ở trong Nam bạn chúng mình. Vì vậy tôi mới giới thiệu để ông nhận công trình này, chỉ hòa hoặc lãi chút đỉnh, không được lãi nhiều.

- Anh là anh của Quân. Em không biết. Em xin lỗi anh ! Vậy thế này cho tiện : Em chỉ xin làm đốc công thuê cho anh thôi … Em sẽ lên dự toán theo yêu cầu của anh để anh theo dõi. Có điều hơi mất thời gian một chút.

Ông Vĩnh cười.

- Thuê cậu ? Bao nhiêu tiền lương một tháng và bao lâu công trình sẽ xong.

- Anh là anh của Quân, cũng là anh của chúng em. Anh cho thế nào thì cho.

- Thế cũng được ! Cậu cầm bản vẽ về bóc tách cụ thể vật liệu và nhân công cho tôi, ba tháng kể từ lúc khởi công xong không ?

- Dạ được ạ. Em muốn đi thực địa xem đường vận chuyển vật tư, bố trí nhiều người làm thì xong sớm trước tết ạ.

- Thế thì mai nhà tôi sẽ dẫn cậu đi xem đất.

Ngoài khu đất chính thức được an tự theo di chúc. Năm bảy nhăm ông Vĩnh còn mua thêm hai mảnh đất ở trong làng Hoàng Mai cũng do bà mẹ vợ đứng tên. Cụ viên tịch, di chúc giao lại cho vợ chồng ông thừa kế. Thời ấy đất rẻ như cho không tất cả tiền dành dụm được ông đều dồn cho việc mua đất với mong muốn các con lớn lên mỗi đứa có một chỗ ở tàm tạm. Ai biết ông có đất, ông đều chối là đất thừa kế của mẹ vợ. Ông có nhà cửa cơ quan cấp, mua đất làm gì ?

Khách đi rồi, ông Vĩnh còn tư lự đứng bên thềm.

Bao nhiêu năm cả dân tộc chiến đấu, ông không dám nghĩ cho mình, giờ hòa bình thống nhất cũng phải lo một cái gì đó dành cho lúc già như thế có đúng không.

Trên đường về Hoan hỏi :

- Sao ông Quì không nhận khoán gọn ?

- Cái dãy nhà cấp 4 lãi thầu đáng bao nhiêu tiền ? Mà đã thầu là phải rút cái này bớt cái kia mới có lãi. Công trình nhỏ ăn lương cũng ngang ngửa lãi thầu. Ở đây phải giữ thể diện để làm ăn lâu dài … chỉ nhờ xếp giao cho vài công trình nho nhỏ là được.

Hoan nghĩ, Quì nhạy bén trong làm ăn, anh không bằng được ! Anh cứ tưởng Quì sẽ cò kè dằn dứ để nâng giá, nhưng hắn đã chọn một giải pháp nhẹ nhàng có lợi lâu dài. Anh sẽ hướng dẫn Quì cách lập dự toán công trình qua ngôi nhà của ông Vĩnh để Quì làm quen với việc lên khối lượng vật tư nhân công, bóc tách từng chi tiết của bản vẽ.

                                                                                            

 

 

 

 

Khi nắng quái chiều còn le lói, cố dát chút ánh vàng cuối ngày lên các tàng cây và mái nhà, chiếc xe du lịch sang trọng màu trắng kết toàn hoa hồng trắng dừng lại bên hè trước cổng nhà Hương Lan để đón dâu. Hai xe khách màu xanh dương theo sau cũng dừng lại. Từ trên xe bước xuống, các quí ông comple caravat phần nhiều màu nâu hay xám lịch sự đỡ tay các quí bà áo dài đủ màu tha thướt làm duyên như kẻ yếu đuối. Những con người luống tuổi nhìn nhau xếp thành hàng đôi tránh nắng dưới bóng những chùm hoa tường vi chõ qua bờ tường. Trong nhà có ai đó xướng lên như báo động :

- A nhà trai đến rồi.

Trên gác ồn ào tiếng người, tiếng guốc dép lịch kịch xuống nhà đón khách.

Một tràng pháo nổ ròn rã, người hai bên phố quây lại xem Họ thì thầm với nhau “chú rể già quá”.

Chú rể Quýnh mặc complê màu vàng nhạt mỡ gà, túi cắm một bông hồng trắng, cổ đeo caravat đỏ thẫm bước trịnh trọng sau hai mâm lễ. Nhà trai độ hai chục người lần lượt theo nhau vào nhà.

Sau mấy phút uống nước giới thiệu hai bên thông gia làm quen. Họ nhà trai xin phép cho Quýnh được thắp hương các cụ và rước dâu.

Lượng mặc comple màu nước biển lật đật đốt nhang cắm lên bàn thờ. Quýnh và Hương Lan đứng bên nhau chắp tay khấn vái. Hương Lan mặc váy đầm trắng nhiều nếp gấp. Trên bộ ngực căng phồng trong lớp vải rua đăng ten hoa lá; cài bông hồng trắng, đầu Hương Lan đội khăn voan trắng mỏng có đai vàng như công chúa. Bình thường Hương Lan đã có cái vẻ đẹp tự nhiên bởi làn da mịn và đôi mắt to có hàng mi hơi cong, hôm nay được các bà chị trong nhóm “Lady” trang điểm cho lại càng lộng lãy quí phái, hồng hào và mơ mộng. Các thủ tục trao nhẫn, cho quà diễn ra nhanh chóng và trang trọng.

Một tràng pháo Bình Đà nữa nổ ròn rã vừa dứt, khói còn phả mù mịt. Quýnh run run nắm lấy bàn tay đeo găng của Hương Lan kéo đi theo mọi người ra xe. Mặt cô dâu đẹp nhưng hơi buồn, bước lên xe hoa lại có tiếng nho nhỏ trong đám đông “Ô cô dâu đẹp thế !”.

Xe đi rồi người xem còn bàn tán về vẻ đẹp của cô dâu vẻ bệ đĩnh đạc của chú rể, tuy rằng họ đã cứng tuổi và thắc mắc không biết trong hai người đã có ai xây dựng gia đình lần nào chưa.

Hai người chỉ dự định làm nho nhỏ. Khách từ bộ, từ viện, từ nhóm Lady, từ bạn bè nước ngoài của hai người, họ hàng nhà trai nhà gái và bạn của các cụ … lên đến gần hai trăm thiệp mời và bốn trăm giấy báo hỷ.

Mới sáu giờ tối hai gia đình và cô dâu chú rể đã đứng đón khách trước cửa nhà hàng Bông Hồng Vàng. Trong nhà hàng, tiếng nhạc xập xình nổi lên như mời gọi.

Một vài vị khách lục tục tới bằng xe máy, bằng ô tô. Mấy vị khách mời đặc biệt không đến được cho người đi xe con đem quà mừng và danh thiếp tới. Những hộp quà bọc giấy hoa có buộc nơ hồng nhạt hoặc tím, được long trọng trao tận tay cô dâu chú rể. Nhóm Lady đến trao cho Hương Lan một lẵng hoa hồng trắng thật to, một xấp phong bì đựng tiền mừng của các bà chị có mặt và vắng mặt. Khách người trong bộ tới, gặp khách người của viện chào nhau vui vẻ như trong đại hội.

Mấy ngày nay Hoan cứ lẩn quẩn suy nghĩ tặng đám cưới Lan Quýnh cái gì. Hoan muốn mua một vật quí giá tặng để kỷ niệm cho mối tình của anh và Hương Lan nhưng sợ có vẻ chơi trội, người thuê nhà chơi sang một cách đáng ngờ có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Khi mà lời ong tiếng ve vẫn còn lẩn quẫn đâu đó chưa phôi pha, không biết đã đến tai Quýnh chưa. Một cái phong bì “nặng” càng dễ làm Hương Lan buồn tưởng anh nhục mạ trả  tiền cho cuộc tình lầm lỗi của hai người. Suy đi tính lại anh quyết định mừng cái phong bì tiền nhỉnh hơn của Lợi một ít là tốt nhất. Trong phong bì kèm lá thiếp viết vài lời chúc mừng hai người hạnh phúc. Mãi đúng bảy giờ tối Hoan mới đến nhà hàng Bông Hồng Vàng, anh nói với các cậu giữ xe.

– Xếp cái xe này riêng ra hộ mình, mình chỉ vào mười lăm hai mươi phút là ra ngay vì có việc.

Anh đi vòng ra lối trước vào cửa chính. Hoan mặc bộ comple màu tro nhạt mới may ở Hàng Trống phòng khi dự lễ lạt quan trọng hay lúc phải cùng với ông Vĩnh tiếp khách mặc cho chững chạc.

Vừa nhìn thấy Hoan mặt Hương Lan và Quýnh tươi lên.

– Hứ … tưởng Hoan không đến.

Hương Lan nói như vui mừng, như hờn trách.

Quýnh giọng hồ hở vui :

– Ông mối vắng mặt thế nào được.

Hoan đưa cái phong bì cho Hương Lan và nói lời chúc mừng hạnh phúc trăm năm của hai người. Đỡ cái phong bì trên tay anh, ngón tay trỏ của Hương Lan cào cào trong lòng bàn tay anh và cười. Anh nhìn rõ ràng mặt Hương Lan rạng rỡ và hạnh phúc. Mừng cho Hương Lan đã tìm được chỗ dựa, vui vì Quýnh là người hiền lành lo lắng cho Hương Lan, anh yên tâm. Nhưng anh lại thấy tiếc và một nỗi buồn nhè nhẹ tê tái trong anh. Anh bắt tay Quýnh rồi đi vào nhà hàng. Người ta xếp bàn ăn hình chữ U còn khoảng giữa trống hình như để “dancing”. Anh cảm thấy mình bị lạc giữa đám khách mời sang trọng như ngày nào đi với Hương Lan. Năm phút sau anh đã có mặt ở bãi xe, lấy lại xe. Cậu thanh niên giữ xe nói :

- Sao anh không ở lại dự tiệc ? Cỗ nhà hàng tôi nấu ngon lắm !

- Tôi bận lắm.

Miệng nói, chân bước đi nhưng anh lại nghĩ “tâm chí đâu mà ăn uống”.

“Người ta sẽ bàn tán gì khi anh vắng mặt ?”. Phải bình thường tự nhiên không biểu lộ tình cảm mới là kín võ. Lưỡng lự một tí, anh lại dắt xe vào. Anh thanh niên giữ xe ngạc nhiên hỏi :

- Anh không về nữa à ?

- Cậu vừa bảo món ăn nhà hàng nấu ngon, về thì uổng mà !

Hai người cùng cười .

Hoan vào lại hội trường thì thấy Lợi đang nhớn nhác nhìn quanh tìm chỗ ngồi, thấy anh Lợi reo lên :

- Anh ! Hai cái răng khểnh thò ra ngộ nghĩnh. Chị Phúc không đi cùng anh à ?

- Xuỵt ! Hoan dơ ngón tay và nói khẽ. Có Đăng đón chị Phúc rồi ! Cậu không biết anh Đăng đã tặng chị Phúc bàn là và bếp điện Liên Xô, tối tối còn đến nhà dạy phụ đạo em chị Phúc ôn thi đại học à ?

Từ phía sau trong cái đám ồn ào của mấy người quen nhau, Đăng len lên đến chỗ Hoan.

– Mấy anh em ta làm một bàn chứ ?

– Chúng tôi đứng đây cũng chỉ để chờ ông thôi. Hoan nói :

Họ kéo nhau vào cái bàn chống gần đó. Vừa ngồi xuống thì Phúc đến.

– Cho em ngồi chung bàn với !

Lợi nhìn Hoan cười.

Tiếng nhạc jar, nhạc rốc chạy đĩa đã nhường lại cho đội nhạc sống. Tiếng cây séc xô phôn lúc to lúc nhỏ đang thổi bài sô nát dưới trăng một cách êm ái dịu dàng.

Đại diện lễ tân chỉ có vài lời ngắn gọn tuyên bố lễ thành hôn rồi giới thiệu hai người chào quan khách. Đội nhạc sống mở đầu bằng một bản vui tươi, một đôi bạn đứng tuổi rồi hai đôi, ba đôi ra sàn nhảy. Họ nhảy xong lại khoác vai đưa nhau về bàn, cười nói xôn xao. Tiếng công-tơ-bạt phập phừng theo các bước chân của những người đang nhảy. Tiệc được đưa ra từng món. Ai ăn cứ ăn, ai nhảy cứ nhảy. Nhảy xong vào ăn, đang ăn cũng ra nhảy. Họ đến đây để vui cùng cô dâu chú rể. Cô dâu chú rể khoác tay nhau đi từng bàn chào khách. 

Lợi ghé tai Hoan thì thầm :

-      Ít thanh niên quá ! Toàn người đứng tuổi ?

 

 

 

 

 

 

Bây giờ nhiệm vụ của Hoan ngày càng nhiều nên bận rộn, phải theo dõi các nhà máy nhiệt điện chạy dầu chạy hơi, kiểm tra định kỳ để trung đại tu, duyệt vật tư thiết bị thay thế. Hơn chục nhà máy quay vòng làm anh luôn phải đi công tác.

Lần này về Đá bạc nơi Được đề bạt anh rủ Quì cùng đi để giới thiệu Quì làm quen xem có thầu được việc gì không.

Buổi sáng mùa thu, trời bắt đầu đổi mùa gió ào ào trên các tàng cây. Ông trưởng phòng hành chính nhà máy Đá Bạc, khúng khắng ho như cảm lạnh dẫn Hoan và Quì đến dãy nhà khách lợp tôn nằm bên sườn đồi. Sau nhà là dải rừng thông rậm rạp và xanh mướt.

- Các đồng chí ở đây cho thoáng mát và đỡ bụi bặm. Nhà khách cũ đang được xây lại. Ăn cơm, xin xuống mua vé ăn tập thể ở căn nhà có bức tường trắng kia. Theo con đường mòn này qua bên kia là dốc xuống phố thị trấn. Dưới ấy có nhiều quán xá có cả cà phê và bia téc.

Hoan lịch sự bắt tay ông, cảm ơn sự chỉ dẫn tận tình và hứa nếu cần gì thêm sẽ tìm ông để xin giúp đỡ.

Ông trưởng phong đi rồi, Hoan dục Quì.

- Cất đồ vào tủ, rửa mặt, xuống phố ăn cơm và đón tay Kim phụ trách xây dựng.

Kẻ trước người sau theo đường mòn bước qua những bụi hoa mua màu hồng, hoa xim màu tím, lách giữa những hàng thông non xuống phố. Kim về đang mở cửa. Họ bắt tay nhau, Hoan giới thiệu với Kim.

- Đây là anh Quì bạn tôi, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Trung Tín vận tải thủy bộ và xây lắp.

Nghe nói đến xây lắp, Kim quay ra vồ vập hỏi Quì khi cả ba người bước vào nhà.

- Xây lắp à ? Ông làm được xây dựng không ? Tôi đang thiếu thợ đây. Đang định về Hải Dương hay Thái Bình tìm người.

Quì cười :

- Nghề ruột mà anh ! Có việc xin anh cứ giao cho tôi.

- Ông xem bản vẽ này đi ! Cần xây mười dãy nhà, cho công nhân. Đội đang làm ít người quá ! Nay, họ bị điều đi xây dựng nhà khách và nhà ăn. Ông làm được tôi báo cáo giám đốc giao nốt cho ông. Sau các trận đánh phá của Mỹ, công nhân làm lán sống vất vưởng bìa rừng, dưới chân núi. Nghị quyết đại hội công nhân viên chức, quyết định cuối năm họ phải có nhà để ăn tết, mà bây giờ mới chỉ xây được ba dãy chưa hoàn chỉnh.

Quì nói để hoãn binh :

- Bây giờ mời ông, đi ăn cơm với chúng tôi, tối tôi sẽ trả lời cặn kẽ về bản vẽ này.

- Thôi hai ông đi đi. Tôi mà xuống phố ăn uống sẽ có chuyện. Tôi cho ông mượn trước bản giá vật liệu của địa phương mấy tháng vừa qua để các ông tham khảo tính toán. Tôi đã cắm nồi cơm điện từ sáng, có cơm rồi ! Các ông cứ đi ăn cơm đi. Tối ta gặp nhau.

Quì năn nỉ

- Xuống phố tìm một cửa hàng nào kín đáo ta ngồi với nhau làm vài lon bia thôi mà.

- Thôi hai ông đi ăn đi. Thị trấn nhỏ ít người ngồi nhậu đâu mà không có người biết. Khi nào tôi về Hà Nội, các ông mời tôi không dám chối từ.

Hoan cấu tay Quì ra hiệu: không nên chèo kéo nữa. Anh nói với Kim :

- Có lạng chè Bắc Thái ngon. Tối, ông lên nhà khách uống nước ta bàn. Ông có thể cho tôi xem qua cái bản khai công của đội trước họ kê không ?

Kim ngần ngừ một chút rồi rút từ trong cặp giả da đưa ra một bản đánh máy. Kim nói :

- Nể ông Hoan lắm, xin đừng cho ai biết tôi đưa, bản kê của đội kia cho các ông. Tối phải trả lại đấy nhé.

- Xin cảm ơn. Chúng tôi xuống phố đây.

Hoan nhét bản vẽ và bảng kê nhân công vật tư vào catap của mình rồi cả hai chào Kim, kéo nhau đi.

Đi một quãng xa Hoan mới nói :

- Xuống bến ô tô thị trấn ăn cơm. Về nhà khách hãy xem các văn bản. Ở đây họ không thích nhậu nhẹt. Tốt nhất ông đưa họ một cái phong bì nằng nặng một chút khi công việc ký kết xong.

Bến ô tô ở đầu thị trấn, cạnh chợ. Trong chợ mấy cái lều lèo tèo độ chục người mua bán. Một chiếc xe ca sơn màu nước biển đợi khách đi Hải Phòng. Một vài người ngồi trên xe lơ đãng nhìn phía dải rừng xa như đang nhàn tản ngắm cảnh. Bên kia đường nhìn vào bến xe là cửa hàng cơm có cái tên ngộ nghĩnh : “Hùng xồm: Cháo, bún, cơm, phở”.

Hoan giật mình vì tiếng còi xe ích ỏi. Một xe khách đi ngang qua dừng lại thả khách. Chú lơ xe nhảy xuống rao lanh lảnh :

- Ai đi Hà Nội, Hải Dương không ? Hai bác đi Hà Nội ?

Khánh dìu Lượng từ trên xe xuống. Mặt Lượng tái mét, tóc rối, râu mọc đen tua tủa dưới hàm. Anh cứ cố trằn ra khỏi tay Khánh và rên rỉ.

- Cứ để tôi chết đi. Còn gì nữa đâu mà về.

Không có khách chiếc xe vụt lao đi. Sịt lại một làn khói đen. Hai người khách dìu nhau rũ rượu bên lề đường.

Hoan và Quì đi tới gần :

- Có việc gì thế ? Sao ra nông nỗi này ?

Gặp người quen ánh mắt Khánh sáng lên giọng anh nhỏ và dưng dưng.

- Mất hết hàng rồi ! Bị bắt cả hai xe Kamaz ngót hai mươi tấn đồng. Chạy thoát được người là may. Buôn lậu hàng Nhà Nước cấm xuất bị bắt thì tù mọt gông.

Lượng víu vào vai Hoan người rũ ra giọng khản đặc nói không rõ tiếng.

- Thế là mất hết các ông ơi ! Sống thế nào được nữa đây. Trời ơi, sao tôi lại khổ thế này.

Qua những câu ngắt quãng, Hoan hiểu Lượng vừa bị tịch thu mất hai xe chở đồng buôn lậu đem qua biên giới. Quì giúp Khánh xốc nách Lượng đưa vào quán :

- Vào đây ăn uống nghỉ ngơi đã rồi sẽ tính.

Hoan rầu rĩ đi theo sau. Kết quả buôn lậu nó thế này đây. Vào quán Khánh tường thuật lại cảnh mất hàng và hai người phải chạy trốn. Mỗi người an ủi Lượng một câu “Ăn uống cho lại sức”. Người làm ra của, chứ của đâu có làm ra người” “Thua keo này bày keo khác”. Ăn cơm uống nước nghỉ ngơi một lúc Lượng nguôi ngoai một chút. Khánh ghé tai Hoan nói thầm :

- Ông cho chúng tôi ít tiền về xe, mất hết chẳng còn một đồng nào cả.

Mặt Khánh đỏ lựngvì bia vì xấu hổ.

Hoan bùi ngùi rút tiền đưa cho Khánh: Họ có bị lớn bị bé tiền, xơ xảy một chút đã thành ăn mày. Đồng tiền chỉ thấm chút ít mồ hôi lao động nên khó giữ. Nếu không gặp các anh ở đây họ sẽ xoay xở thế nào để về được Hải Phòng.

Chuyến xe trong bến đi Hải Phòng chạy ra : cậu lơ xe rao to gọi khách. Con đường đen thẫm dưới nắng đang ngùn ngụt bốc hơi Hoan và Quì dìu Lượng ra và đẩy lên xe. Hai người đừng nhìn Lượng trong tâm trạng nặng nề.

Lượng thò đầu ra cửa xe, giọng khản đặc than với Hoan :

- Tôi tham quá nên mới “chết”. Dốc hết vốn làm trận cuối cùng mà không tìm bảo kê !

Lượng muốn tự nguyện được bảo kê dưới cái ô đen. Bảo kê cưỡng bức do các tay anh chị cầm đầu đôi lúc còn bị phản ứng và bị sa vào lưới pháp luật. Bảo kê tự nguyện để làm sai luật nó ngọt ngào, kín đào và luôn biến tướng muôn mặt. Dù bảo kê cách nào cũng không có gì đảm bảo chắc chắc người thuê bảo kê không bị bắt.

Xe đi rồi, Hoan hiểu Lượng muốn nói dốc vốn đánh một trận mà chẳng đút lót ai cả. Không điều tra nghiên cứu đường đi nước bước sai lầm là mất nghiệp.

Khi hai người đi trên dãy phố nằm ven bờ sông Yên, nước triều đang lên tràn ngập đôi bờ. Phố hẹp trồng dâu da soan cây thấp, hoa nở trắng tàng cây tỏa mùi ngai ngái. Quì nói :

– Phải phô tô mấy bản tập giấy Kim đưa để rút kinh nghiệm.

Đi dọc phố thị qua các căn nhà một tầng tường hoen ố bụi than, có dễ vài chục năm không được quét vôi tu sửa, mãi tới gần Trụ sở Ủy ban nhân dân mới có cửa hàng phô tô nhỏ xíu nép bên cái ngõ hẻm. Ông chủ tiệm rỗi việc ngồi nhổ râu lơ đãng đứng nhìn ra đường. Máy nhỏ chỉ in được khổ giấy A4 nên bản vẽ phải làm tới bốn lần mỗi lần một tấm giấy A4, lấy hồ dán các mảnh vào nhau thành bản lớn.

Cầm tập giấy vừa phô tô xong, nét mặt đầy rạng rỡ Quì hồ hởi cười thích thú :

- Còn hơn ngồi sao chép lại.

Cả buổi trưa không ngủ Quì ngồi hì hục tính toán gạch cát xi măng, tôn, gỗ của một dãy nhà làm Hoan cũng không ngủ được. Kẻng báo giờ làm chiều Hoan hỏi.

- Ông làm xong chưa ? Số liệu chênh lệch nhiều hay ít. Có cả tiền tiêu cực chứ ?

- Số liệu xêm xêm nhau, mình hơi dội lên một ít tiền.

- Sao lại dội lên ?

- Vì mình không dùng vôi, mà xây toàn xi măng. Xây xi măng khô nhanh mới đủ đảm bảo xây đúng tết là giao nhà. Ông cứ đi làm đi. Mình dò tính lại cẩn thận và chép sạch sẽ, tối có thể trao đổi được với Kim.

Anh trưởng phòng kỹ thuật dẫn Hoan đi xem lò có cái tên toát lên màu lục địa đen Đặng Phi Châu, nhưng lại là người trắng trẻo nho nhã. Anh đề nghị thay thế dàn cánh tu bin như kế hoạch đã định và tẩm xấy véc ni phần máy phát điện. Hoan chỉ cười, ghi chép những đề nghị với lời hứa chung chung sẽ trình lên Bộ. Phi Châu lo lắng theo dõi thái độ của Hoan mà mặt đỏ lựng lên, Phi Châu lúng túng như cô nữ sinh ngốc nghếch trong kỳ thi trung học, anh cứ phủi bụi than trên vai áo mãi. Phi Châu nhỏ nhẹ buông một  câu ý xin nới lỏng định mức.

- Công nhân ở dây họ vất vả lắm anh ạ.

Vẫn nụ cười tươi muôn thủa trên môi. Hoan đáp :

- Vâng bụi bậm quá !

Các công đoạn trung tiểu tu đều có sẵn định mức kỹ thuật Hoan không dám hứa điều gì. Nhìn vẻ ỉu xìu của Châu, Hoan nói :

- Ông Châu muốn sửa chữa thêm gì ngoài kế hoạch chốc về văn phòng ta bàn, thay thế hay sơn sửa bộ phần nào cứ đề xuất.

Mặt Châu tươi tỉnh lên, anh hiểu sửa chữa phải có vật tư có nhân công tức là có tiền những việc gì chưa có mức sẵn mới có ăn. Trong đầu anh trưởng phòng có hàng trăm việc phải làm phải sửa chữa. Hệ thống băng tải, hệ thống bơm nước v.v… đều cùng có chỗ cần sửa.

- Vâng, về vănphòng tôi báo cáo sơ qua Ban giám đốc rồi xin ý kiến anh.

Hai người đi lanh quanh khu vực nhà máy một vòng, trở về đến khu văn phòng gần hết giờ làm buổi chiều.

Trần Được Giám đốc nhà máy niềm nở tiếp Hoan. Họ ôm lấy nhau như lâu không gặp, Được xin lỗi vì không trực tiếp đưa Hoan đi thăm nhà máy. Anh trưởng phòng kỹ thuật trình bày việc hai người vừa khảo sát.

- Ông phải nói giúp hộ tôi với các đồng chí ở Bộ rõ: Nhà máy rệu rã quá rồi ! Động đến bộ phận nào cũng đều cần phải sửa không to thì nhỏ.

- Ông lên kế hoạch và dự toán hết đi. Cái nào nhỏ không ảnh hưởng việc dừng lò ta chữa dần, cái nào phải dừng lò thời gian dừng lò bao nhiêu ngày phải cụ thể để bộ bố trí lịch cho các nhà máy dừng lò luân phiêm sửa chữa. Thời gian cho phép dừng lò có thế các anh sửa cả hoặc sửa một phần, đội lắp máy của bộ sẽ giúp anh phần còn lại. Chuẩn bị đầy đủ vật tư thay thế mới dừng lò. Ông cho một văn bản xin sửa chữa tôi về trình bộ.

Họ vẫn gọi nhau ông tôi tôi như hồi còn ở Hải Phòng. Được than thở với bạn:

- Việc nhiều thế này mà đại hội công nhân viên chức còn ép phải xây nhà ở cho công nhân nữa. Không biết tìm đâu ra người đây !

Hoan cười :

- Ông có tướng quí nhân phò trợ. Tôi đi cùng với  ông kỹ sư đội trưởng xây dựng có kinh nghiệm nhưng anh bận nên anh ta phải chờ ở nhà khách đăng ký sáng mai xin gặp ông.

- Được ông Hoan giới thiệu thì tốt quá.

- Công ty Trung Tín rất có tín nhiệm. Anh gặp họ bàn bạc xem họ giúp anh được gì. Họ muốn mở rộng hoạt động ra vùng Đông bắc nên cùng tôi ra đây.

- Không phải thợ vườn là được rồi !

- Công ty to ở giữa Hà Nội mà thợ vườn thì sập tiệm à !

Ông giám đốc quay ra nói với Châu.

-      Ông Châu gọi ông Kim bảo đem ngay bản vẽ khu nhà ở cho ông đội trưởng xây dựng nghiên cứu tính giá cả, mai tám giờ ta bàn việc này.

NGUYỄN HỒNG

Các Bài viết khác