NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TẾT NHỚ MẸ

( 17-02-2021 - 09:33 PM ) - Lượt xem: 1191

Tết Tân Sửu này nếu còn, mẹ tròn một hoa giáp 60 năm. Tân biến vi toan, tân là lo toan, chạy xuôi chạy ngược suốt cả một đời. Chữ “Tân” ấy hai mẹ con đều có cả nên tôi càng thấm thía nỗi vất vả của mẹ và của mình…

Một cái tết nữa sắp về. Với tôi, trước cái tết vui luôn có một nỗi buồn. Dù nỗi buồn ấy đã qua ba mươi năm rồi nên cũng dần nguôi ngoai. Mẹ tôi mang tên loài hoa đào báo hiệu mùa xuân đến, nhưng người lại đi xa khi tết chỉ còn chục ngày. Tết Tân Sửu này nếu còn, mẹ tròn một hoa giáp 60 năm. Tân biến vi toan, tân là lo toan, chạy xuôi chạy ngược suốt cả một đời. Chữ “Tân” ấy hai mẹ con đều có cả nên tôi càng thấm thía nỗi vất vả của mẹ và của mình…

Nhà mẹ tôi đông lắm, có tận tám người (sáu trai, hai gái) mà mẹ tôi là cả. Bà ngoại tôi phải mất tám năm mới có mẹ tôi. Sau này bố tôi mới chiêm nghiệm lại bảo mẹ tôi mất sớm vì là con cầu tự, xin ở chùa về thì chỉ được thế thôi. Là con cả, mẹ tôi vất vả lắm, việc gì cũng đến tay. Học hết lớp 10 cũng là đủ chữ, đủ nghĩa, mẹ tôi lấy chồng. Nhanh như một cơn gió.

Nhà nội tôi thì nghèo lắm. Vừa nghèo vừa đông con. Nhà có tám ông con trai lộc ngộc. Bà nội tôi bán hàng nước, gặp cô bé khéo mồm u u con con, gánh lúa, gánh phân cùng nhau, thế là bà nhận làm con nuôi, thành ra tổng 9 người. Ông nội tôi vốn biết ông ngoại từ thuở mới công tác nên rất thân nhau. Ông nội làm hợp tác xã, ông ngoại làm ty giao thông. Một ngày ông bảo ông con trai (tức bố tôi) đang thất tình, ủ rũ vì cô người yêu tham giàu đi nhận trầu kẻ khác:

- Mày sang xóm 4 tìm hiểu con gái ông Khối xem, hay đáo để…

Thế là thành. Nghe đâu hai ông thông gia đính ước bằng một bữa rượu suông, nhậu với vài quả ổi xanh có sẵn trong vườn. Ông ngoại bảo: “Lấy thằng đấy vất vả nhưng nếu vợ chồng sau này làm nên thì sướng”.

Làm thân con gái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, còn biết làm sao!

Tôi thương mẹ tôi vì chẳng có được thời gian cho tuổi trẻ yêu đương. Có lần tôi nhìn thấy một bức ảnh nhỏ mang hình một anh bộ đội trẻ. Có thể đó là người xưa của mẹ, tôi đoán thế. Những anh bộ đội hành quân đi qua ở nhờ dân làng khi ra đi để lại một vài bức ảnh kỷ niệm chắc cũng khiến tâm hồn người thiếu nữ những tình cảm xao xuyến đầu đời…

Đầu những năm 80, mẹ sinh ra tôi giữa cánh đồng. Bố tôi nghèo đến mức không tấc đất cắm dùi, phải lập chòi lọt thỏm giữa tiếng ếch nhái, đồng không mông quạnh. Mọi người bảo cả làng này không ai liều bằng bố tôi, một mình ra ở khu đất mới đầu làng. Bố tôi làm thợ xây, mẹ làm mành trúc, đi phụ hồ… Hàng ngày, mẹ gửi tôi và em gái cho bà ngoại và các cậu rồi quầy quả ra đi. Cậu Thảo áp út, hơn tôi có vài tuổi, vẫn còn nhớ những cảnh trời tối mịt mà chưa thấy chị đi làm về để còn học bài buổi tối; cậu cứ tay bế cháu gái, chân đá cháu trai hết ra ngóng lại vào mong…

Cuộc sống tưởng như đã khấm khá hơn với gia đình tôi. Dành dụm được ít tiền với nghề xây dựng, nhà tôi chuyển ra phố Đồng Nguyên.       Ở nhà tầng, mặt đường quốc lộ, có xe máy đi thế là oách lắm rồi. Năm 1987 mẹ sinh thêm em trai. Ai có thể ngờ khi cuộc sống vừa bước sang trang mới thì mẹ tôi đã không còn.

- Mẹ ơi, con vẫn nhớ phút giây hãi hùng đó, buổi chiều ngày 20 tháng Chạp năm Tân Mùi (1991). Giữa giờ lao động ở sân trường, anh Tiến Chiêm hàng xóm hốt hoảng vào báo tin và đón con đi. Con vừa đi vừa khóc như mưa. Anh đạp xe chở thẳng con đến Gò Ông Đống ở Viềng, nơi mẹ bị tai nạn. Cả thân thể của mẹ và chiếc xe Cub bị vùi trong mương nước và đống gạch ngổn ngang. Mẹ mất vì chu đáo và tốt bụng quá, mẹ ơi! Mẹ của con mới tập đi xe máy, đôi chân ngăn ngắn chấp chới trên yên xe. Có chú em trên thị xã bị gãy tay, xuống nhận tạm ứng lương. Mẹ bảo: “Thôi để chị chở về”. Một chiếc xe Gaz quân đội chở vật liệu đi lấn làn nghiêng ngả, gạch đá đổ xuống vùi cả người lẫn xe xuống nước. Người gẫy tay còn trẻ, nhảy được ra thoát chết…

- Mẹ ơi, con khoác chiếc áo màu vàng của mẹ, ngồi chống cằm trên chiếc xe Dream mà lòng hoang hoải. Tết này con chẳng còn lòng dạ nào mà mua sắm quần áo mới. Con vuốt ve cái áo như một kỷ vật quý giá, lâu lâu quay sang dỗ em trai út mũi dãi ướt đầm áo, ngơ ngác hỏi mẹ đâu, mẹ đâu…

- Mẹ ơi, con vẫn nhớ nét chữ tròn trịa của mẹ, nhớ bài hát Chị ong nâu nâu, nhớ cả những lần mẹ trói con vào cột vì con không nghe lời…

- Mẹ ơi, con vẫn nhớ cái tủ bánh kẹo của mẹ. Nhớ gói kẹo sô cô la bán cho khách mà con hí hửng lách dao tem lấy trộm từng cái một… Người khách lạ mua về, hẳn sẽ trợn tròn mắt trước túi kẹo vơi, còn con thì thu tiền một cách sung sướng vì “trót lọt”.

- Mẹ ơi, con vẫn nhớ cái sinh nhật lớn nhất đời mình. Mẹ nhờ cậu Học chăng đèn kết hoa, chẳng khác gì đám cưới. Hoa quả bánh kẹo với đông đủ cả lớp và cô giáo chủ nhiệm khiến nhiều bạn phải ghen tỵ. Lễ sinh nhật trong căn phòng có những lan chắn nắng bằng bê tông xoay xoay đó đã đi vào ký ức tuổi thơ của chúng con. Các bạn bảo ở thời chúng mình chẳng có ai được làm sinh nhật như mày…

Cứ đến ngày giỗ mẹ, bố tôi lại mua một cây đào thật to để kỷ niệm nhớ đến người. Tết Tân Sửu này cũng vậy. Sáu mươi năm của mẹ tôi… Trước cái tết là một lời thảng thốt, mỗi lần giỗ mẹ là một đợt tổng kết, báo cáo thưa mẹ trong năm qua con đã làm được điều này, điều kia, tránh được việc này việc nọ. Đã ba mươi năm nay, trong tôi vẫn lơ lửng nỗi buồn những cái Tết có chữ Tân và cành hoa đào buồn báo hiệu mùa xuân!

 KIẾN VĂN

Viết ngày giỗ mẹ Tết Tân Sửu

 

Các Bài viết khác