NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

QUẢ VẢI THIỀU VIỆT NAM CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU?

( 04-06-2021 - 02:40 PM ) - Lượt xem: 3402

. Từ ngàn xưa, nước ta đã là quốc tổ của cây vải (lệ chi) và con đường truyền bá giống cây quý hiếm này luôn đi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nhưng chẳng hiểu vì sao mấy năm gần đây lại xuất hiện những truyền thuyết về nguồn gốc “Thiều Châu” (Trung Quốc) của cây vải thiều Việt Nam? Có lẽ điều này xuất phát từ quy luật cạnh tranh trong thị trường xuất nhập quả vải (lệ chi) giữa Việt Nam và Trung Quốc.

QUẢ VẢI THIỀU VIỆT NAM CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU?

 

1. Trong bài “Tản mạn mùa vải chín” của Đỗ Phấn ( Tuổi Trẻ Cuối Tuần 28-6-2020), tác giả đã khẳng định: quả vải thiều mới du nhập vào Việt Namhồi cuối thế kỷ 19 từ Thiều Châu (Trung Quốc). Chứng minh cho quan điểm đó, Đỗ Phấn bảo “truyền thuyết kể lại rằng có người phu bốc vác ở bến cảng Hải Phòng tên là Hoàng Phúc Thành một hôm thấy những nhà buôn Thiều Châu ở cảng ăn một thứ quả rất ngon rồi vứt hạt trên bờ. Ông tò mò nhặt được ba hạt mang về quê mình ở vùng Thanh Hà, Hải Dương ươm trồng.” Trong số ba cây đó có hai cây chết, “cây còn lại được ông chăm sóc cho đến ngày ra quả, đặt tên là quả vải thiều với nghĩa là lấy giống từ những người Thiều Châu”.

 Để độc giả tin vào cái truyền thuyết trên, Đỗ Phấn lại khẳng định rằng “cây vải bản địa cổ xưa của Việt Nam là một giống khác dù cấu tạo lá cành quả hạt cũng tương tự. Điểm khác biệt chỉ là quả vải to và dài hơn. Vị chua chát có thể nói là chẳng ngon lành gì”. Đề phòng những người am hiểu lịch sử có thể thắc mắc: loại vải chua chát như vậy mà tại sao triều đình nhà Đường ở bên Tàu lại bắt dân ta phải gánh nó sang Tàu nộp cống, khiến cho dân phu gánh vải theo Mai Thúc Loan khởi nghĩa chống triều đình? Tác giả giải thích rằng đó là do “ý thích quái gở” của Dương Quý Phi thời Đường Minh Hoàng khi bà này có thai (!). Táo bạo hơn, tác giả này còn cho rằng câu chuyện Mai Thúc Loan cùng dân phu gánh vải khởi nghĩa (năm 722, thế kỷ thứ 8 CN) “hình như viết theo truyền thuyết nhiều hơn sử liệu” (ý nói là chuyện bịa), bởi vì năm đó Dương Quý Phi mới tròn 3 tuổi, mà đường từ Hoan Châu (nơi gánh vải đi cống) đến kinh đô Trường An của nhà Đường (nơi nhận vải cống) dài hơn 4000km thì không thể gánh vải đến đó mà nó còn nguyên vẹn được.

 Chưa hết, Đỗ Phấn lại cho biết thêm quả vải ta truyền thống còn có tên là “vải tu hú” mà “những năm 60 thế kỷ trước, người ta trồng bạt ngàn bên triền đê sông Đáy”. “Nhưng giờ thì cây vải tu hú còn rất ít nơi trồng. Dù [vải tu hú] chín sớm hơn [vải thiều] cả vài tuần lễ thì cũng vẫn khó bán”.

Với những thông tin có đủ tên đất, tên người, tên cây và cả thời điểm diễn ra sự việc như vậy, bài viết của tác giả này đã khiến cho người ta tin rằng lịch sử cây vải thiều ở Việt Nam đúng là như thế. Nhưng nếu xem xét các sự kiện một cách sâu sắc, ta sẽ thấy sự thật lịch sử không phải  vậy.

 Trước hết, câu chuyện về 3 hạt vải thiều của nhà buôn Thiều Châu ở cảng Hải Phòng  không có cơ sở chứng lý, nên tác giả buộc phải kể theo truyền thuyết. Tuy nhiên, chỉ những chuyện diễn ra trong thời tiền sử (chưa có chữ viết) thì người ta mới buộc lòng phải tin vào truyền thuyết (lưu truyền bằng miệng). Còn câu chuyện này xảy ra ở cuối thế kỷ 19, ngay trong thời đại văn minh công nghiệp cách nay mới hơn 120 năm, nếu không trích dẫn được nguồn tư liệu văn bản, thì thật khó tin. Chỉ riêng chuyện người phu bốc vác mới nhìn thấy người ta ăn mà đã biết thứ quả đó “rất ngon” để rồi mang hạt của nó về gieo trồng là không đáng tin rồi. Hơn nữa, “Thiều Châu” là tên gọi một thổ ngữ của dân thiểu số sống ở biên giới mấy tỉnh phía nam Trung Quốc, chứ không phải một địa danh chính thức để có thể gọi là “nhà buôn Thiều Châu” và “vải Thiều Châu”. Chính người Trung Quốc ngày nay cũng không gọi cây vải trồng trên đất nước họ là “vải thiều”!

 Tiếp theo, cây vải bản địa cổ xưa của Việt Nam có từ bao giờ, nó có “chua chát chẳng ngon lành gì” như Đỗ Phấn đã mô tả?

 Chưa thể biết chính xác cây vải cổ xưa xuất hiện trên lãnh thổ nước ta từ khi nào; chỉ biết rằng trong triều đại nhà Hán bên Tàu (từ thế kỷ thứ 2 TCN đến đầu thế kỷ thứ 3 CN, nghĩa là cách nay hơn 2.200 năm) thì ở xứ Giao Chỉ (tên nước ta  thời thuộc Hán) cây vải đã trở thành một loài cây đặc sản phổ biến được người Hán đặt cho cái tên đẹp là “lệ chi”. Sách cổ “Tiền Hán Thư” chép rằng: giống lệ chi ở xứ Giao Chỉ  rất thơm ngon mà các địa phương khác thuộc “thiên triều” không hề có. Bởi thế, vào năm trị vì thứ 30 của mình (tức là năm 111 TCN), Hán Vũ Đế sai người đem cây vải (lệ chi) từ Giao Chỉ về trồng ở kinh đô Trường An. Nhưng trên đường vận chuyển sang Tàu cây vải đã chết do gặp khí hậu lạnh. Từ đó, Hán Vũ Đế bắt dân Giao Chỉ hàng năm phải nộp cống quả lệ chi cho triều đình Trung Hoa.

 Đến triều đại nhà Đường (từ thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 10 CN, cách nay hơn 1.200 năm), theo sách “Cựu Đường Thư” chép lại, lệ cống vải (lệ chi) của dân Lĩnh Nam (tức An Nam Đô Hộ Phủ - tên gọi nước ta thời thuộc Đường) lại càng được thực thi gay gắt, nhất là dưới triều Đường Huyền Tông (712-756) có ái thiếp Dương Quý Phi đặc biệt ham thích hương vị đặc sắc của lệ chi (không phải là “ý thích quái gở”của bà khi có thai đòi ăn loại vải “chua chát chẳng ngon lành gì”).

 Như vậy, việc dân phu ở Hoan Châu gánh vải đi nộp cống nổi dậy theo Mai Thúc Loan khởi nghĩa chống nhà Đường (năm 722) là sự thật hiển nhiên mà sử sách đã ghi lại. Sách cổ Trung Hoa cũng cho biết: để giữ được hương vị tươi ngon sau chuyến hành trình lâu dài, lệ chi phải được ướp mật và muối, được hỏa tốc vận chuyển  bằng ngựa trạm. Theo đó ta có thể nhận ra rằng: dân phu Hoan Châu chỉ gánh vải đến hết địa giới An Nam Đô Hộ Phủ, rồi giao nộp cho quan lại nhà Đường ở biên ải để họ bảo quản và chuyển tiếp về Trường An bằng ngựa trạm.

 

2. Sự kiện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán để xưng vương  sáng lập triều đại nhà Ngô giành lại độc lập cho nước ta (năm 939) đã chấm dứt vĩnh viễn tục lệ nộp cống lệ chi cho các hoàng đế Trung Hoa. Từ đó việc trồng vải ngày càng phát triển rộng khắp lãnh thổ Đại Việt (từ Bắc Trung Bộ cho đến đồng bằng và trung du Bắc Bộ).

 Trong thế kỷ 15, cây vải (lệ chi) có liên quan đến một sự kiện bi thảm: Vụ án Lệ Chi Viên (năm 1442). Tại trang viên ẩn dật của mình ở Côn Sơn (thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương), nguyên lão đại thần Hành khiển Nguyễn Trãi cùng người thiếp yêu của cụ là Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ  được vua Lê Thái Tông trên đường công du ghé thăm; rồi vua cho Nguyễn Thị Lộ theo hầu trên chặng đường kế tiếp. Đến vườn vải ( lệ chi viên) tươi đẹp ở thôn Đại Lải (thuộc huyện Gia Bình, Bắc Ninh), vua cho dựng hành cung và qua đêm ở đây cùng Nguyễn Thị Lộ. Nhưng chẳng may vua đột ngột băng hà. Thế là đám gian thần trong triều đình vốn ác cảm với Nguyễn Trãi liền phán quyết cụ mang trọng tội giết vua, nên vị đại công thần triều Lê đã bị “tru di tam tộc” (giết sạch cả ba họ). Vụ án oan đẫm máu này một lần nữa cho thấy cây vải cổ xưa của Việt Nam đã in dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nước nhà, kề cả những trang huy hoàng cho đến những trang bi thảm.

 Trong thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong danh tác “Vân Đài Loại Ngữ” (1773) rằng: “Nước Nam sản xuất trái lệ chi nhiều nhất. Thứ trái lệ chi ở xã An Nhơn (tức là Yên Nhân) huyện Đường Hào (thuộc Hưng Yên) là ngon ngọt và thơm không thể nào tả được.” Nhận định của nhà bác học cho thấy rằng: từ ngàn xưa nước ta (chứ không phải nước Tàu) mới là nơi sản xuất trái lệ chi nhiều nhất và thơm ngon nhất. Bởi vì nguồn gốc cây vải  nảy sinh và phát triển ở Việt Nam từ rất lâu, trước khi Trung Quốc có nó.

 Từ đó trở về sau, cây vải ở nước ta vẫn giữ nguyên địa vị và giá trị như vậy. Có một điều cần lưu ý là: tùy theo điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm bón mà chất lượng của loài vải này có khác nhau tùy theo từng địa phương; do đó, địa chỉ nơi có vải thơm ngon nhất cũng có sự dịch chuyển theo từng thời gian ở mỗi địa phương. Từ thế kỷ 20  nổi lên loại “vải thiều” ở Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) có hạt nhỏ, cùi dày mọng nước với hương vị thơm ngon vượt trội so với những loại vải trồng ở các địa phương khác.

Chính giá trị đặc biệt của vải thiều đã tạo nên những truyền thuyết về nguồn gốc “Thiều Châu” (Trung Quốc) của nó. Trong số đó,  có một truyền thuyết tương tự như câu chuyện của Đỗ Phấn, nhưng do con cháu cụ Hoàng Văn Thành ở Thanh Hà (Hải Dương) kể lại: cụ Thành làm phu bốc vác ở cảng Hải Phòng nhặt được 6 hạt vải do khách buôn Thiều Châu trên tàu vứt bỏ, mang về quê gieo trồng được 3 cây, chỉ còn duy nhất 1 cây sống sót trở thành cây đầu tiên của giống vải thiều thơm ngon ngày nay. Đăng trên wikipedia của Google, truyền thuyết này còn được minh họa bằng ảnh chụp cây vải thiều cổ thụ do cụ Hoàng Văn Thành trồng, kèm theo là tấm bia kỷ niệm đúc bê tông với lời giải thích rằng: “Cây vải Tổ 200 năm tuổi tại thôn Thúy Lâm xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương”. Không nghi ngờ gì nữa, đây đúng là một trong những cây Tổ của giống vải thiều ngày nay (kỹ thuật đo tuổi cây hiện đại luôn cho kết quả chính xác)! Nhưng liệu cây này có phải đã mọc lên từ hạt vải do khách buôn Thiều Châu vứt bỏ mà cụ Thành nhặt được? Cây này đến nay đã 200 tuổi, nghĩa là nó được trồng từ năm 1820. Mà gia phả cho biết cụ Thành sinh năm 1848, và lịch sử chép rằng mãi đến năm 1874 thì cảng Hải Phòng mới bắt đầu được xây dựng! Vậy là, cây vải Tổ của cụ đã mọc trước khi cụ ra đời tới 28 năm, đến khi cụ Thành làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng thì cây vải Tổ ở nhà cụ đã là một đại thụ ít nhất cũng khoảng 60 tuổi! Thật rõ ràng: cây vải Tổ này do cha ông cụ Thành trồng từ hạt giống ở địa phương, chứ không phải do cụ Thành trồng từ hạt vải do khách buôn “Thiều Châu” bên Tàu mang đến như cái “truyền thuyết” đã bịa đặt   nực cười.

Dù vậy, cây vải Tổ ở nhà cụ Thành vẫn đáng dựng bia kỷ niệm để khẳng định rằng: giống vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) có nguồn gốc từ loài vải truyền thống lâu đời của nước ta, chứ không phải là giống cây “ngoại nhập” từ Trung Quốc. Chất lượng đặc biệt của vải thiều ở đây so với vải ở các địa phương khác là do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tài chọn giống và kỹ năng canh tác của nhân dân địa phương (vấn đề này cần được các chuyên gia nông học nghiên cứu sâu thêm).

 

3. Từ ngàn xưa, nước ta đã là quốc tổ của cây vải (lệ chi) và con đường truyền bá giống cây quý hiếm này luôn đi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nhưng chẳng hiểu vì sao mấy năm gần đây lại xuất hiện những truyền thuyết về nguồn gốc “Thiều Châu” (Trung Quốc) của cây vải thiều Việt Nam? Có lẽ điều này xuất phát từ quy luật cạnh tranh trong thị trường xuất nhập quả vải (lệ chi) giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 Bước sang thế kỷ 21, bằng các phương pháp và kỹ thuật gieo trồng hiện đại, cây vải đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh Giang Nam (Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến…), khiến Trung Quốc trở thành nước sản xuất và tiêu thụ vải lớn nhất thế giới. Theo đà phát triển đó, giới thương nhân nước này muốn nâng cao thương hiệu của mình bằng cách khẳng định  rằng: chính Trung Quốc là quê hương của cây vải, do đó loại vải thiều ngon nhất của Việt Nam phải có nguồn gốc từ Trung Quốc (!). Từ đây, các truyền thuyết về vải thiều Việt Nam có nguồn gốc “Thiều Châu” (Trung Quốc) đã được tạo dựng và xuất hiện trên các cơ quan truyền thông báo chí ở Việt Nam.

 Nhưng truyền thuyết, dù được chế tác tinh vi, cũng không thể đảo ngược thực tế lịch sử. Ngày nay, mặc dù Trung Quốc có rất nhiều loại lệ chi mang nhiều tên đẹp khác nhau tùy theo sản phẩm của từng địa phương, nhưng chất lượng và hương vị của vải Trung Quốc vẫn không sánh được với vải thiều Việt Nam. Vải Trung Quốc luôn có vị ngọt sắc của  loài trái cây được chăm bón bằng các loại hóa chất tăng trưởng, nên chúng không nhiều giá trị trên thị trường Việt Nam và các nước khác. Còn vải thiều Việt Nam có vị ngon ngọt thơm mát đậm đà của loài trái cây phát triển tự nhiên ở đất đai và khí hậu thích hợp, nên luôn được thị trường trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao.

 

LÊ VINH QUỐC

 

.

 

 

 

 

 

Các Bài viết khác