NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

Giới thiệu » DIỄN TỪ KHAI MẠC

DIỄN TỪ KHAI MẠC

( 13-12-2013 - 05:59 PM ) - Lượt xem: 3635

Ngày 9/10/2011, với chúng ta thật đặc biệt. Từ tình yêu đối với sách và việc đọc sách gắn bó gần 60 con người chúng ta trong một tập thể chung mang tên Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng. Một buổi ra mắt giản dị và đầm ấm đã ghi dấu trong chúng ta về thời khắc đặc biệt ấy. Mời các bạn hữu cùng nhớ lại thời khắc này qua bài phát biểu của Chủ tịch CLB

Kính thưa các vị đại biểu và các bạn thành viên!

 

Hôm nay, chúng ta họp mặt ở đây để cùng dự vào một sự kiện hết sức có ý nghĩa: ra mắt Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng.

 

Thưa quý vị!

 

Sách là một nguồn tri thức vô tận của nhân loại, là một thế giới đầy mê hoặc mà con người luôn khát khao khám phá. Nó giúp con người mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, lẽ sống… Không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, việc đọc sách đã được nâng lên thành văn hoá.

 

Ngược dòng thời gian cha ông ta từ xưa đã nêu gương sáng về việc đọc sách như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trường Tộ,... Những nhà văn nổi tiếng thân thuộc với chúng ta hôm nay như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… cũng là những tấm gương ham đọc sách. Quá trình tự học, tự tìm tòi kiến thức qua sách vở, tài liệu đã giúp họ có vốn văn hóa, vốn kiến thức thật đáng trân trọng.

 

Giờ đây người ta đến với sách không chỉ để đọc mà người ta còn để chơi, sưu tầm, trao đổi sách. Những người đồng điệu còn có nhu cầu cùng nhau toạ đàm, chia sẻ những gì mình đã đọc và cũng khát khao được nghe nói về sách về tác giả, tác phẩm… Một sân chơi lành mạnh cho những người chung sở thích để cùng đồng cảm, cùng sẻ chia là một nhu cầu chính đáng và cần thiết.

 \"\"

 

Trong quá trình vận động thành lập CLB dành cho người yêu sách, những người sáng lập đã nhận thấy Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một tấm gương về đọc sách rất đáng ngưỡng mộ. Việc học từ trong sách vở được ông hết sức coi trọng. Ông đã để lại cho nền văn học cách mạng Việt Nam những tác phẩm có giá trị và giàu sức sống như Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô; tác giả của những kịch bản, tiểu thuyết đầy tâm huyết về Hà Nội kháng chiến, như Những người ở lại, Luỹ hoa, Sống mãi với Thủ đô; tác giả của các truyện cổ tích và lịch sử dành cho thiếu nhi đầy tính giáo dục, nhân văn như Tìm mẹ, An Dương Vương xây thành Ốc, Con cóc là cậu ông Giời, Kể truyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng…, mà trên hết ông còn là một con người có nhân cách thật đáng khâm phục. Chúng ta không ít người đã từng đọc “Một ngày Chủ nhật” của ông ra đời năm 1956, ông viết: “chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tâm, Quyết tiến… rất ít âm hưởng trong lòng người”.

 \"\"

 

Ông viết tiếp: “Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng”.

Cũng trong Một ngày Chủ nhật ấy ông trăn trở: “Quần áo phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều màu sắc”. Những sắc màu đặc trưng của Hà Nội chính là một phẩm chất văn hóa tinh tế và sâu sắc của con người Nguyễn Huy Tưởng.

 

Ông cũng đau đáu cho thế hệ tương lai của đất nước “Một buổi chiều chủ nhật buồn quá. Chẳng có gì chơi. Trẻ con ru rú trong nhà”.

 

Vâng phải có một nhân cách lớn,  tấm lòng của một nhà hoạt động văn hóa nhiệt thành mới có những sự trăn trở, nhức nhối trước những sự kiện như vậy của đất nước, mà cũng chính vì cách mạng mà ông dấn thân và đã theo đuổi đến hết cuộc đời.

Câu lạc bộ Người yêu sách chúng ta được mang tên Nguyễn Huy Tưởng, một vinh dự rất lớn và cũng là một trách nhiệm rất cao, không chỉ đối với việc quảng bá, tôn vinh tác phẩm và sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng  mà còn  của các nhà văn, nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới. Tất cả hoạt động của CLB chúng ta chính là sự góp phần vào việc phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Chúng ta xác định tôn chỉ, xây dựng điều lệ của Câu lạc bộ, điều quan trọng là chúng ta phấn đấu thực hiện một cách tốt nhất những mục tiêu đã đề ra.

 

Chúng ta giờ đây đã có một câu lạc bộ – một diễn đàn cho những người yêu sách, quan tâm đến văn hoá đọc. Có thể ban đầu, quy mô của Câu lạc bộ chúng ta còn khiêm tốn. Nhưng bằng tình yêu đối với sách với các nhà văn, nhà văn hoá, chắc chắn dần dần chúng ta sẽ phát triển lớn mạnh. Với niềm tin tưởng ấy, tôi xin thay mặt ban vận động, tuyên bố chính thức ra mắt CÂU LẠC BỘ NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG.

Xin trân trọng cám ơn các quý vị.

Chủ nhiệm

Phạm Thế Cường

Các bài viết khác